Giao tiếp gia đình, đừng coi nhẹ

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít người cho rằng, phép lịch sự chỉ để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng thì nói gì, nói như thế nào chả được. Nhưng chính họ lại không biết rằng, sự vô tư, vô tâm trong lời ăn tiếng nói quá sẽ dẫn gia đình vào tình trạng không ai muốn nói với ai hoặc tranh nhau nói.

Im lặng cũng là bất hạnh
Một người phụ nữ phàn nàn, không có cuộc sống nào buồn tẻ hơn là sống với chồng chị. Đi làm về là anh cứ ngồi im như bụt mọc. Chị kể chuyện của con cái, anh vừa nghe vừa xem tivi, không hé răng. Có khi cả buổi tối chẳng ai nói với ai câu nào. Trong khi, mỗi lần đi chơi với bạn bè, chồng chị trò chuyện lại rất rôm rả, hóa ra chỉ về nhà là anh ấy không nói. Dù biết rằng có thể vợ chồng ở với nhau hết năm này sang năm khác, lấy đâu ra chuyện để nói mãi, nhưng ý nghĩ rằng chồng coi thường mình cứ lớn dần trong chị. Và rồi đến lúc chị cũng không còn muốn nói nữa. Căn nhà vốn dĩ phải hạnh phúc trở lên lạnh lẽo và giữa vợ chồng chị khoảng cách cứ xa dần.
 Ảnh minh họa
Các nghiên cứu về đời sống gia đình cho thấy, nếu một đôi vợ chồng không nói chuyện với nhau ít nhất từ 15 đến 30 phút mỗi ngày thì không thể nói đó là cặp vợ chồng hạnh phúc. Trong thực tế, không ít người vợ than phiền chồng mình dành thời gian trò chuyện với vợ quá ít. Họ đã làm hết cách, nhưng cứ hỏi câu nào chồng trả lời câu ấy, không hỏi thì thôi. Nhưng ngược lại, nhiều người đàn ông phàn nàn, không muốn nói chuyện với vợ, bởi cứ nói là vợ lại kể chuyện của người nọ, người kia, rồi so sánh, nhận định.

Không ít gia đình lại bất hạnh cũng từ những cuộc trò chuyện, bởi mở miệng ra là nói những lời làm mất lòng nhau và người nọ phải chịu đựng người kia. Một người kể, chồng chị hễ nói là chê bai gia đình vợ một cách tùy tiện và thiếu căn cứ, nào là chê các cháu học chị học dốt, chê bố chị chậm tiến, không năng động trước thời cuộc... Chị giận, chị nói lại thì anh bảo: “Anh chỉ vui miệng nói vậy thôi mà, em cứ làm to chuyện”. Nhưng sao mà không to chuyện được, bởi sống chung cả đời mà cứ cảm thấy bị xúc phạm hàng ngày thế này thì sống sao nổi.

Với nhiều cặp vợ chồng, cuộc trò chuyện đều là những câu móc máy nhau như: “Con lớn lên phải biết khôn ra một chút, chứ đừng có khôn nhà dại chợ, mang của nhà đi biếu người khác”. Nghe câu đó, người kia cũng móc lại một câu: “Ừ, con cũng nên khôn ra một chút để tránh lấy phải bà vợ lắm mắt nhiều mồm”... Nói chuyện bâng quơ một hồi, chồng hầm hầm bỏ đi, vợ cũng sập cửa đùng đùng. Người ta thường nói, lời nói không mất tiền mua, nhưng có vẻ không phải ai cũng biết lựa lời.

Điều cần thiết

Trao đổi, chuyện trò về công việc, học hành, cuộc sống giữa vợ chồng, giữa các thành viên trong gia đình được xem là một trong những giao tiếp tất yếu, cần thiết, giúp mọi người hiểu nhau hơn và thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, lo toan, nên các cuộc giao tiếp giữa vợ chồng nhiều khi chỉ là những trao đổi hoặc những mẩu tin nhắn cụt lủn. Nhưng chính nhiều khảo sát về hôn nhân cho thấy, không cần đợi khi cả hai gây gổ, chiến tranh lạnh thì quan hệ vợ chồng mới có vấn đề, chỉ cần một khi hai người bạn đời không có nhu cầu tâm sự, trò chuyện với nhau, không thể chia sẻ với nhau buồn vui được nữa cũng là lúc gia đình đang trong tình trạng báo động đỏ.

Cùng với đó, nhiều người luôn hiểu rằng phép lịch sự cần thiết cho hôn nhân không khác dầu nhờn cần cho máy móc, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Thực tế cuộc sống cũng chứng minh, rất nhiều cặp vợ chồng ít nói với nhau tiếng “cám ơn”, “xin lỗi”. Bởi họ cho rằng cuộc sống gia đình không cần những từ khách sáo đó. Trong khi chính họ thường dạy các con phải biết nói những từ đó với người khác. Một người mẹ kể rằng, chị cho con cái kẹo, nó cầm lấy cho vào mồm ăn thản nhiên chẳng nói gì cả. Chị bảo: “Con hư, lần sau ai cho cái gì phải biết nói cám ơn”. Đứa con cãi lại: “Mỗi lần bố đưa lương cho mẹ, mẹ có bao giờ cám ơn đâu”. Câu nói của con khiến người mẹ không biết nói sao.

Đừng nghĩ giao tiếp trong gia đình là chuyện nhỏ và sao cũng được. Những người vợ người chồng nên nghĩ trước khi bắt đầu câu chuyện, nói chuyện gì, nên nói thế nào. Nếu không, đôi lúc những cuộc trò chuyện lại vô tình làm hai người cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Và cũng đừng bao giờ để vợ chồng hết chuyện để nói hoặc không còn muốn nói gì với nhau, là điều các chuyên gia khuyên.