Giáp Tết, làng hoa Tây Tựu "hút" lao động thời vụ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chúng tôi đến Tây Tựu vào một buổi sáng đầu tháng Chạp lạnh giá. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời khá thấp (chỉ khoảng 13-14 độ C) nhưng không khí ở đây vẫn vô cùng nhộn nhịp.

Ở các làng hoa như Tây Tựu, không khí xuân dường như bao giờ cũng đến sớm hơn những nơi khác. Ngay từ đầu tháng Mười âm lịch, người dân nơi đây đã tất bật chuẩn bị mùa hoa Tết. Đặc biệt, khi bước sang tháng Chạp, nhịp độ làm việc càng khẩn trương hơn.

Cũng vào thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng thêm lao động mùa vụ ở đây bắt đầu tăng cao. Nắm bắt nhu cầu đó, rất nhiều người từ các vùng lân cận, thậm chí từ các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh… cũng đổ dồn về đây tìm kiếm việc làm, chủ yếu là lao động nữ trong độ tuổi từ 18 đến 50.

Ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tây Tựu, cho biết: “Với trên 300 ha trồng hoa (chiếm khoảng 85% diện tích canh tác toàn xã), những ngày này, Tây Tựu thu hút và giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 300 lao động, thu nhập bình quân mỗi người đạt khoảng 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng/ người/ ngày. Đặc biệt, với những người biết ghép giống thì lúc nào cũng 'đắt giá' nhất, thuộc vào loại công đặc biệt, có thể kiếm được 200.000-300.000 đồng/ngày.”

Anh Nguyễn Văn Hoàng, chủ một vườn hoa Tây Tựu cho biết, có rất nhiều công việc mà những chủ vườn hoa ở đây cần thuê thêm người làm như: làm cỏ, tỉa cành, tỉa nhánh, tỉa nụ, chụp bông… Đó là những công việc mà với nghề trồng hoa, không thể thay thế sức người bằng bất cứ một loại máy móc thiết bị công nghiệp nào.

Những loại công việc này ngày nào cũng sẵn, đặc biệt là vào những thời điểm giáp Tết thế này, nên người lao động đổ xô về đây tìm việc làm rất đông.

Chị Hồ Thị Thanh, nhà ở Trôi, ngày nào cũng cùng hai cô con gái đạp xe 6km về Tây Tựu làm việc. Vừa thoăn thoắt tỉa cành, chị vừa vui vẻ chia sẻ: “Đã hai năm nay rồi, cứ độ từ cuối tháng Mười âm lịch là ba mẹ con tôi về đây xin làm thêm. Nếu chịu khó đi làm đủ tất cả các ngày hai tháng cuối năm thì tiền công của ba mẹ con cũng đủ sắm được cái Tết tàm tạm cho gia đình.”

Chị cho biết thêm, mỗi ngày, ba mẹ con chị cũng kiếm được khoảng 250.000 đồng, cao hơn khoảng gấp rưỡi so với việc hàng ngày ba mẹ con đi làm công nhân tại các xưởng dệt may tư nhân ở khu vực Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội.) Cả gia đình chỉ có hai sào ruộng, nên công việc đồng áng một mình chồng chị lo là đủ. Ba mẹ con đi làm thêm ngoài để trang trải cuộc sống.

“Công việc không quá nặng nhọc, chỉ phải dậy sớm, chịu sương gió một chút nhưng lại an toàn, không lo bị lừa mà lại có việc đều, thu nhập cũng ổn định hơn ở các khu công nghiệp. Mình đến tận nơi tìm việc, không phải qua trung tâm môi giới,” chị Thanh chia sẻ.

Những ngày này, lao động ngoại tỉnh đổ về Tây Tựu tìm việc làm cũng rất đông. Ông Bùi Trung Hòa cho biết, số lượng những người này chiếm xấp xỉ 1/4 tổng số lao động thời vụ ở Tây Tựu.

Chị Lê Thị Hồng, một lao động ngoại tỉnh tâm sự: “Tôi lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống đây, ở nhờ người quen. Hôm nào cũng phải dậy từ bốn giờ sáng, đi bộ ra đây làm việc. Chi tiêu tằn tiện, dè xẻn thì sau vụ hoa Tết cũng mang về được vài triệu đồng để sau Tết đóng học phí cho các cháu.”

Chồng chị Hồng không may mất sớm, một mình chị phải bươn chải nuôi mẹ già và ba người con thơ. Thường ngày, ngoài việc cấy cày ba sào ruộng, chị đi làm phụ hồ, công việc nặng nhọc, vất vả mà thu nhập lại thấp, mỗi ngày chỉ được 50-60 ngàn đồng. Theo chân các chị em cùng quê, đã bốn năm nay, cứ vào các vụ hoa lớn trong năm, chị lại tìm về đây xin việc.

“Nếu chăm chỉ, làm được việc thì sẽ giữ được mối với các chủ vườn. Không cần ra chợ lao động mà cứ đến vụ, họ lại gọi đi làm,” chị cho biết thêm, “quê tôi, diện tích đất nông nghiệp ngày càng ít, lại không có nghề phụ nên rất nhiều chị em phụ nữ đã rủ nhau đến các làng nghề, làng hoa thế này tìm việc làm.”

Theo ông Bùi Quang Trung, trong một vài năm trở lại đây, khi có ngày càng nhiều lao động đến Tây Tựu tìm việc làm thêm, nhất là những dịp giáp Tết thế này, để đảm bảo an ninh trật tự và hạn chế ùn tắc giao thông, chính quyền xã phối hợp với lực lượng công an, dân phòng sắp xếp, bố trí cho lao động tập trung tại ba chợ lao động chính là cầu Đăm 1, cầu Đăm 2 và Cống Nền.

Trước đây, mọi người thường hay dùng câu “Nhất Mễ Trì, nhì Tây Tựu” để nói về sự khó khăn của vùng đất thuần nông Tây Tựu này. Nhưng hiện nay, nhờ phát triển nghề trồng hoa, đời sống người dân đã được cải thiện rõ nét. Những ngôi nhà cao tầng khang trang liên tiếp mọc lên, thay thế những ngôi nhà mái bằng cũ trước đây. Ông Hòa cho biết, mỗi năm, nếu thời tiết thuận lợi, nghề trồng hoa mang đến cho người dân Tây Tựu thu nhập trung bình 400 triệu đồng/ha.

Không chỉ riêng dịp giáp Tết mà nhìn chung, nhu cầu về hoa của người dân ngày càng cao, làng hoa Tây Tựu cũng vì thế mà ngày một khởi sắc. Nhiều hộ đã vươn lên tiếp cận công nghệ, thị trường để trở thành những ông chủ, bà chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động đến từ các vùng lân cận và ngoại tỉnh.

“Người trồng hoa Tây Tựu cũng rất mong muốn tạo được một thương hiệu riêng cho làng hoa. Song, để làm được điều này thì chất lượng hoa Tây Tựu cần phải nổi bật hơn hẳn so với các vùng trồng hoa khác và như thế, cần một sự tập trung đầu tư hơn nữa. Trước hết là phải tạo một vùng chuyên canh đặc thù cho làng hoa. Đồng thời, điều đó cũng sẽ giúp tạo thêm việc làm cho rất nhiều lao động,” ông Hòa nhấn mạnh./.