Gieo lòng nhân ái

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần đây, bé Ly bỗng dưng đổi tính nết, thường gây gổ với các bạn, tỏ vẻ khinh thường những bạn kém may mắn hơn mình.

Ngay cả khi đi đường gặp những người ăn xin, bé cũng bày tỏ thái độ coi thường, chê họ bẩn quá. Vô tình gặp con vật gì, bé sẵn sàng đánh rất đau không thương tiếc.

Trước tình cảnh ấy của con, chị Thanh đã tự nhủ phải giúp con hiểu hơn về lòng nhân ái, sự trắc ẩn trong trái tim mỗi người. Khi thấy con tỏ vẻ chê bai, ghê tởm những đứa trẻ cơ nhỡ hoặc người tàn tật, ngoài việc giải thích với con về cách thể hiện sự đồng cảm, chị tìm cách phân tích cho con hiểu rõ vấn đề theo hướng tích cực. Trong những đợt nhà trường phát động phong trào giúp đỡ bạn nghèo, trẻ kém may mắn, chị khuyến khích con cùng tham gia. Và bằng những việc làm tuy nhỏ, như đóng góp mỗi bạn một quyển vở, chiếc bút... bé bắt đầu cảm nhận được những việc làm tuy đơn giản nhưng mang lại nhiều niềm vui và bắt đầu biết cách chia sẻ với bạn học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trong cuộc sống hiện đại, khi guồng quay vội vã của xã hội dễ khiến cho người ta hờ hững và thờ ơ với nhau hơn, giáo dục sự nhân ái, vị tha cho trẻ không còn là chuyện nhỏ. Bởi không có lòng nhân ái, biết nghĩ đến người khác như nghĩ cho mình sẽ không thể nảy sinh những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Nếu cha mẹ là người biết đồng cảm với những người kém may mắn hơn mình, tức là bạn đang làm gương cho con về cách sống tốt đẹp. Cha mẹ cần biết khuyến khích trẻ làm theo mình, hãy cho bé chia sẻ một phần tiền cho công việc từ thiện hoặc gom góp sách vở, quần áo, đồ chơi… cho các hoạt động từ thiện của trường, của lớp. Những năm tháng đầu đời của bé là khoảng thời gian tốt nhất để cha mẹ bắt đầu vun đắp lòng trắc ẩn cho trẻ, điều ấy sẽ tạo bước đệm để con phát triển toàn diện về nhân cách sau này.