Gieo thêm hy vọng

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một lần nhìn thấy một đứa trẻ chừng 2 tuổi mắc hội chứng Down trước cổng trường, cô giáo Dương Thị Thu Hà (trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đồng) trăn trở làm gì để giúp những đứa trẻ này có một cuộc sống tốt hơn? Và thế là ý tưởng về thiết bị PSE – một thiết bị tạo cảm hứng học tập cho trẻ mắc hội chứng Down ra đời.

Hỗ trợ trẻ Down học tập
Thiết bị PSE (Picture - Sound - Expressive) tích hợp âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động trên viên sỏi một cách sinh động, hấp dẫn. Đây là sản phẩm của cô giáo Dương Thị Thu Hà cùng hai học trò là Bùi Khánh Vy (lớp 11 trường THPT Lê Lợi) và Bùi Minh Ngọc (lớp 11 trường THPT Lê Quý Đôn) thực hiện từ tháng 4/2018.
Một thiết bị PSE bao gồm tivi hoặc máy chiếu, tấm thảm gắn sỏi có 4 chip cảm biến kết nối với máy tính có cài đặt phần mềm PSE. Với 15 chữ cái cùng 15 chủ đề khác nhau, thiết bị này giúp trẻ mắc bệnh Down học chữ cái thông qua các chủ đề của kỹ năng sống. Ví dụ, với chữ cái “C”, đầu tiên trẻ phải tìm vị trí đúng của chữ cái “C” (trên, dưới, trái, phải), sau đó học phát âm chữ cái, rồi có các từ và hình ảnh liên quan (như “cấp cứu”) để hoàn thiện kỹ năng sống.
Một giờ trải nghiệm học tập trên thiết bị PSE tại Làng trẻ em Hòa Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thiết bị cũng đưa ra cảnh báo, hướng dẫn động viên, khích lệ trẻ khi trẻ làm sai và khen ngợi, thưởng khi trẻ làm đúng. Khi mang thiết bị này đến Làng trẻ em Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), được các thầy cô giáo và trẻ mắc hội chứng Down đón nhận nồng nhiệt. “Điều quan trọng nhất là thiết bị này đã tạo hứng thú, niềm vui cho trẻ mắc hội chứng Down tham gia học tập, từ đó phần nào giúp các em hòa nhập với cuộc sống” - cô Hà phấn khởi chia sẻ.
Từ lòng thương cảm và sự kiên trì
Theo cô Hà kể lại, trong một lần đi từ thiện ở Thái Bình, cô đã gặp một người bị bệnh bại não do di chứng chất độc màu da cam. Người đó đã mất 15 năm để có thể đọc được sách rồi từ đó mở ra không gian đọc sách miễn phí… Điều này đã tác động mạnh mẽ và tạo cảm hứng, thôi thúc cô tạo ra thiết bị hỗ trợ học đọc cho người mắc hội chứng Down. Bởi trẻ mắc Down cũng có quyền được học tập vui chơi như những trẻ bình thường khác.
Để có được kết quả như hôm nay, sản phẩm đã phải trải qua rất nhiều phiên bản lỗi. Cô Hà và nhóm của mình đã phải thử nghiệm nhiều lần, tìm đến sự trợ giúp của nhiều người. Có những nhà khoa học, chuyên gia chưa từng quen biết nhưng khi cô Hà liên hệ để được giúp đỡ thì họ rất nhiệt tình. Đặc biệt, những cô giáo ở Làng trẻ em Hòa Bình đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về các em mắc chứng Down để hoàn thiện sản phẩm. “Vì thế đây là sản phẩm tốt của nhiều người tốt, chứ không phải của riêng mình tôi. Khi trẻ mắc chứng Down thích thú với sản phẩm thử nghiệm, niềm hạnh phúc của chúng tôi lúc đó thật khó quên…” - cô Hà chia sẻ.
Sau một thời gian thử nghiệm, sản phẩm đã được đánh giá là 1 trong 4 dự án xuất sắc nhất toàn quốc trong Chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp Giáo dục năm 2018. “Xuất phát từ cảm hứng song càng làm chúng tôi cảm thấy trách nhiệm càng cao. Sau khi thử nghiệm, chúng tôi rất mong sản phẩm này được đánh giá nghiêm túc trên phương diện khoa học để có thể áp dụng trong hệ thống giáo dục” – cô Hà bày tỏ.
Từ thành công của thiết bị PSE, cô Hà lại ấp ủ và nung nấu những ý tưởng hỗ trợ trẻ mắc chứng Down. Đó là những cuốn sách "Cẩm nang cho bà mẹ có con mắc hội chứng Down" – tập hợp những kinh nghiệm được rút ra trong quá trình thử nghiệm thiết bị PSE và những chia sẻ của các cô giáo chăm sóc trẻ mắc hội chứng Down. Cô mong muốn có thể phát cuốn sách này miễn phí đến các bà mẹ ở nông thôn, để giúp họ có kinh nghiệm chăm sóc trẻ mắc hội chứng Down, từ đó tạo hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho những số phận không may mắn.

Trước khi là một người tâm huyết với các chương trình thiện nguyện, cô giáo Hà còn biết đến là một người tạo cảm hứng cho học sinh trường THPT Lê Lợi học tập qua các lớp học trải nghiệm. Ở giờ Sinh học của cô Hà, học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn được trải nghiệm trồng hoa tulip, tìm hiểu về các ký sinh trùng, học nấu ăn… tại nhiều nơi khác nhau như Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, Đại học Bách Khoa, Học viện Edufarm, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông… Qua các lớp học trải nghiệm, đầu tiên là tạo được cảm hứng hăng say học tập cho các em, đồng thời có thể giúp các em định hướng tương lai.  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần