Gìn giữ nghề thêu 300 năm của Hà Nội

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghề thêu tay có hơn 300 năm tại làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) đang bị mai một. Trước thực trạng đó, một cô gái 8x với quyết tâm giữ truyền thống cho tương lai đã sáng lập ra một không gian đặc biệt mang tên “Tiệm thêu tay Tú Thị”.

Lớp học “Tiệm thêu tay Tú Thị” đã thu hút nhiều bạn trẻ. Ảnh: Mai Lan
Khởi đầu của tiệm thêu tay Tú Thị
Theo sổ sách ghi lại, người dân làng Quất Động đã đến kinh thành Thăng Long xưa, định cư tại làng Yên Thái để lập nghiệp bằng nghề thêu. Năm 1891, người làng Quất Động xây dựng một ngôi đình thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hoành. Ngôi đình mang tên đình Tú Thị. Và cái tên ấy cũng là lý do để một không gian đặc biệt mang tên “Tiệm thêu tay Tú Thị” ra đời trong lòng phố cổ Hà Nội.
Trang phục thêu tay truyền thống dù rất chậm so với thời trang theo mùa, trend (xu hướng) nhưng nó gắn liền với nghề truyền thống của gia đình. Nên việc tôi lựa chọn theo đuổi nghề theo cách tiếp nối, chứ không theo xu hướng thời trang phổ thông.
Bùi Thị Mai Lai – người đồng sáng lập “Tiệm thêu tay Tú Thị”
Là người sinh ra và lớn lên ở làng nghề Quất Động, chị Bùi Thị Mai Lan – người đồng sáng lập Tú Thị cho biết: “Nghề thêu tại làng Quất Động đã tồn tại hơn 300 năm. Tuy nhiên đến nay, nghề đã bị mai một. Kinh tế thị trường thay đổi, không được bao tiêu sản phẩm, đơn đặt hàng ít dần đi, người dân phải chuyển sang hoạt động ở những nghề khác. Làng Quất Động sở hữu một kho báu nhưng lại bỏ quên nên tôi đã tận dụng cơ hội mang nghề truyền thống đến với nhiều người hơn và đem lại những lợi ích về kinh tế không chỉ dành cho cá nhân mà còn cho rất nhiều người ở trong làng. Đó là khởi đầu của việc thành lập Tú Thị”.
Khởi nguồn từ việc thêu những tấm khăn, chiếc áo, rồi những trang trí nho nhỏ để tặng bạn bè, đến nay thêu tay Tú Thị đã là địa chỉ quen thuộc của những khách hàng yêu thích sự nhẹ nhàng, thanh lịch, sang trọng, quý phái. “Tôi thấy những sản phẩm áo dài thêu trên thị trường vẫn rất đẹp, phù hợp. Tuy nhiên giá thành rất cao (40 - 50 triệu đồng/sản phẩm), không phải ai cũng có cơ hội sở hữu nó. Tôi đã định hướng sản phẩm của mình dành cho tầng lớp bình thường đến tầng lớp trung lưu. Đồng thời, Tú Thị khác những nơi khác, chúng tôi không chỉ kể cho các bạn nghe câu chuyện nghề thêu mà khách hàng có thể song hành sản phẩm của mình từ khi lên mẫu thiết kế đến khi sản phẩm trao tay. Tôi nghĩ rằng điều này có giá trị hơn việc bạn mua hay bán sản phẩm mà không hiểu về nó” – chị Mai Lan chia sẻ.
Hướng tới du lịch làng nghề
Vào dịp cuối tuần, căn gác nhỏ ấm áp của tiệm thêu tay Tú Thị, trên phố Hàng Thùng, là địa điểm yêu thích của nhiều bạn trẻ muốn học thêu. Không gian nhỏ ấm cúng đủ chỗ cho 5-7 người, cùng những khung thêu, kim chỉ nhiều màu sắc, như níu kéo những ai yêu thích nghề thêu. Say sưa hướng dẫn cách đưa đường kim, mũi chỉ cho các bạn trẻ, anh Bùi Lê Thuần – nghệ nhân làng thêu truyền thống Quất Động chia sẻ: “Suốt một thời gian dài, rất ít người nhìn nhận xứng đáng giá trị của những nghề thủ công, trong đó có nghề thêu truyền thống của làng Quất Động. Vì vậy, lớp học thêu nho nhỏ này khiến tôi sống lại những kỷ niệm về quãng thời gian cần mẫn bên khung thêu, khơi dậy trong tôi nhiều xúc cảm về một thời hoàng kim của làng nghề”.
Cùng với việc phục hồi, phát huy, sáng tạo những giá trị mới cho nghề thêu tay truyền thống, chị Mai Lan và các bạn của mình đang xúc tiến mở rộng thị trường đến các điểm du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt là ý tưởng phát triển du lịch làng nghề. Chị Mai Lan cho biết: “Trước kia cũng có đơn vị manh nha làm du lịch tại làng Quất Động nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Do làng nghề mai một, không có cơ sở sản xuất. Tôi nghĩ nếu có cơ sở giới thiệu và bán sản phẩm tại phố cổ, có xưởng tại Quất Động thì tại sao không làm du lịch? Qua những thăm dò riêng, tôi khẳng định khách du lịch đến Việt Nam rất tò mò với sản phẩm truyền thống, đó là hướng đi bền vững. Minh chứng ở Hàn Quốc, Nhật Bản muốn phát triển làng nghề bền vững phải gắn với du lịch”.
Có thể thấy, trong cuộc sống hiện đại, ở đâu đó, những mạch ngầm văn hóa vẫn đang thấm dần vào những người trẻ. Họ đang tìm những lối đi, cách làm mới để lưu giữ nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần