Giới chủ sử dụng đồng ý tăng lương tối thiểu vùng 2019

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên họp thứ hai về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2019 của Hội đồng tiền lương quốc gia đã kết thúc trưa nay nhưng giới chủ sử dụng lao động vẫn chưa đưa ra được mức tăng và các bên vẫn tranh luận gay gắt về tỷ lệ lương thực thực phẩm.

Trao đổi với báo chí ngay khi phiên họp vừa kết thúc, bà Tống Thị Minh – Cục trưởng Cục Quan hệ tiền lương, Bộ LĐTB&XH cho biết: Trong phiên họp này giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) đã đồng ý tăng LTTV nhưng ở mức nào thì cần phải thương lượng tiếp. “Theo quan điểm của tôi, năm nay vẫn phải tăng. Theo Nghị quyết 27, mức lương tối thiểu vẫn phải đảm bảo mục tiêu đáp ứng mức sống tổi thiểu vào năm 2020, cho nên chúng ta còn lộ trình 2 năm nữa. Trong phiên họp hôm nay, Bộ phận kỹ thuật ra những luận cứ để tính mức sống tối thiểu từ nay đến năm 2020 là bao nhiêu và hiện nay đã đáp ứng được thế nào. Từ đó các thành viên Hội đồng thống nhất được về các căn cứ để lựa chọn”.
Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đang trao đổi với phóng viên tại phiên họp thứ hai thương lượng về tăng lương tối thiểu vùng.
Thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia Tống Thị Minh cũng bật mí: Hôm nay Hội đồng cũng phân tích về tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của các DN. Trong 6 tháng đầu năm nay, bức tranh sản xuất kinh doanh của DN tương đối khả quan. Tuy nhiên những thách thức của kinh tế 6 tháng cuối năm rất lớn. CPI 6 tháng đầu năm là 3,25%, đã gần tiến sát đến mục tiêu của Quốc hội đề ra 4%. Nhưng cái quan trọng hơn, Chính phủ đang gồng mình điều chỉnh để giữ được mức CPI ấy mới đảm bảo được tiền lương thực tế cho người lao động.
Thứ hai, trong bối cảnh 6 tháng cuối năm, đang có vấn đề thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ; giữa Mỹ với Triều Tiên và Hàn Quốc. Mấy hôm nay Trung Quốc đang thả nổi đồng Nhân dân tệ có tác động rất lớn đối với tỷ giá ngoại tệ của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa có tác động rất lớn đến khả năng và năng lực cạnh tranh của DN. Hiện chúng ta cũng đang thúc đẩy tham gia các hiệp định FTA, CPTPP đã tạo cho DN có những thách thức rất lớn.
Thứ nữa, cộng đồng DN có đặt vấn đề là những tác động rất lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi nghề phải đầu tư về công nghệ. Khi đã đầu tư về công nghệ đòi hỏi phải năng lực rất lớn, trong khi hiện nay DN của chúng ta toàn là vừa và nhỏ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện nay quy mô DN đang nhỏ dần, trung bình chỉ 27 người/1 DN, trong khi 5 năm trước là 32 người/1 DN.
Một vấn đề được đặt ra trong phiên họp tiền lương lần này, đó là khi DN đầu tư công nghệ thì người lao động lại mất việc làm. Như vậy phải tăng lương như thế nào để nó tác động đến DN, cải thiện được đời sống của người lao động, giữ được việc làm. Muốn giữ việc làm thì phải hài hòa được nhu cầu của người lao động với khả năng của DN.
Thứ nữa, tăng LTTV chỉ tác động rất nhỏ đến người lao động thôi. Tiền lương bình quân phụ thuộc vào năng suất và năng lực của người lao động. Nếu mức tăng LTTV áp sát với mức lương bình quân, người đi làm toàn được trả mức lương tối thiểu sẽ chả còn được thương lượng. Như thế, họ không có động lực để làm việc, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả. Cho nên, bà Tống Thị Minh thông tin: Hôm nay Hội đồng tiền lương quốc gia mới bàn thảo luận toàn bộ những căn cứ, cơ sở. Còn kết quả thương lượng thế nào thì còn phải chờ phiên sau sẽ diễn ra trong tháng 8.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần