Giới đầu tư chạy đua chốt lời, chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm mạnh do nhà đầu tư bán tháo ồ ạt cổ phiếu do lo ngại đại dịch Covid-19 và triển vọng đàm phán gói kích thích mới tại Mỹ.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 21/9, khi lo ngại về khả năng dịch Covid-19 diễn biến tồi tệ hơn, cũng như sự không chắc chắn về gói kích thích tài khóa bổ sung của Mỹ, đã đè nặng tâm lý trên thị trường cổ phiếu.
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp do lo ngại đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Reuters 
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” tới 509,72 điểm (tương đương 1,8%) xuống 27.147,70 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,2% còn 3.281,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite  giảm 0,1% xuống 10.778,80 điểm sau khi cổ phiếu công nghệ phục hồi mạnh ở cuối phiên. Có thời điểm trong phiên giao dịch chỉ số Dow Jones đã lao dốc hơn 900 điểm, S&P 500 hạ tới 2,7%.
Phiên sụt giảm trong ngày 21/9 ghi nhận lần đầu tiên kể từ tháng 2/2020, chỉ số S&P 500 có chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp. Trong khi đó Dow Jones có phiên giảm sâu nhất kể từ ngày 8/9, khi hạ 2,3%.
Tính từ đầu tháng đến nay, S&P 500 đã mất hơn 6%, Dow Jones và Nasdaq lần lượt hạ 4,5% và 8,5%.
Số lượng ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến ở một số nền kinh tế châu Âu khiến các nước này đứng trước nguy cơ phải đóng cửa thêm lần nữa thúc đẩy à lao dốc là chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần.
Chính phủ Anh đang xem xét áp lệnh phong tỏa lần thứ hai để ứng phó với đợt tái bùng phát dịch Covid-19. Các nhà khoa học hàng đầu của Anh dự báo rằng nếu chính quyền London không có các biện pháp kiểm soát mới, số ca lây nhiễm có thể tăng lên tới 50.000 trường hợp/ngày.
Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh giảm hơn 3% sau thông tin về nguy cơ áp đặt lệnh phong tỏa trở lại.
Nhóm cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất từ các biện pháp hạn chế và phong tỏa vì thế giảm mạnh hôm qua. Carnival mất 6,7%. Southwest Airlines và Delta Air Lines giảm lần lượt 5,8% và 9,2%.
Brad Kinkelaar - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư tại Barrow Hanley, nhận xét: "Đây là một cuộc khủng hoảng về y tế và chúng ta thực sự vẫn chưa có tiến triển. Chưa có vaccine, chưa có thuốc và vẫn chưa có cách giải quyết cuộc khủng hoảng".
Trong khi đó, chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng nóng lên khi đang đi đến giai đoạn nước rút, được khuếch đại bởi cuộc chiến thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg.
Tại Washington, các cuộc đàm phán về gói kích thích mới trong đại dịch có thể trở nên phức tạp hơn sau khi Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời, điều này có thể dẫn đến một quy trình đề cử khó khăn hơn trước thềm bầu cử. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong tuần này ông sẽ đề cử người đảm nhận vị trí của bà Ginsburg. Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 7 sau khi các điều khoản từ dự luật kích thích kinh tế trước đó hết hạn.
Chiến lược gia Chris Krueger  tại Cowen cho rằng dự luật về gói kích thích hiện “khó có thể được thông qua trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11 tới.
Cổ phiếu nhiều ngân hàng hôm qua giảm mạnh sau báo cáo cho thấy một số nhà băng vẫn cho phép thực hiện giao dịch chuyển tiền, dù chúng có nguồn gốc đáng ngờ. Deutsche Bank mất 8,5%, còn JPMorgan Chase giảm 3,3%.
Thị trường Phố Wall cũng chịu sức ép từ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố các điều khoản trong "danh sách thực thể không đáng tin", chỉ một ngày sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm WeChat và TikTok.
Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn dẫn dắt đà phục hồi của thị trường từ các mức đáy vì dịch Covid-19 và rơi vào giai đoạn điều chỉnh, đà phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch này. Apple tăng 3%, Netflix tăng 3,7%. Amazon tăng nhẹ, còn Microsoft cộng 1,1%. Tuy nhiên, tính chung từ đầu tháng, các mã này vẫn đang giảm mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần