Giới đầu tư thận trọng chờ nhiều tin quan trọng, chứng khoán châu Á đỏ sàn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á giảm điểm trong ngày 24/1 khi bất ổn chính trị tại Mỹ và lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư cảnh giác với các tài sản rủi ro hơn.

Cụ thể, chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,1%. Chỉ số chứng khoán này hiện đã tăng 3,7% kể từ đầu tháng 1.
 Tại thị trường Australia, chỉ số chứng khoán đi ngang. Trong khi đó,  chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản sụt gần 0,5% sau khi số liệu cho thấy trong năm 2018 Tokyo đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 2015.
 Chứng khoán châu Á giảm điểm trong ngày 24/1.
Chỉ số CSI 300 trên thị trường Trung Quốc cũng hạ 0,3% trong khi chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông cũng mất 0,2%.
Tại Phố Wall, các chỉ số chính tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/1 nhờ một loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Cả ba chỉ số chính cùng chốt phiên với sắc xanh, trong đó mức tăng nhiều nhất thuộc về chỉ số Dow Jones, sau khi loạt công ty lớn trong chỉ số này như IBM, P&G và United Technologies cùng công bố báo cáo lợi nhuận tốt.
Với mức tăng 8,5%, cổ phiếu IBM là cú huých tăng điểm mạnh nhất cho Dow Jones. Mảng dịch vụ đã giúp hãng này đạt lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích và hãng cũng đưa ra dự báo tốt hơn dự kiến về kết quả kinh doanh năm 2019.
Chốt phiên, Dow Jones tăng 0,7%, đạt 24.575,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22%, đạt 2.638,7 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,08%, đạt 7.025,77 điểm.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại và vụ đóng cửa lâu kỷ lục của Chính phủ Mỹ vẫn là những "đám mây đen" phủ bóng tâm trí nhà đầu tư.
Thị trường lo ngại bởi những báo cáo nói rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp đang tham dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ đang mất dần niềm tin vào một số chính sách của Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Sắp tới đây, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn ra và giới đầu tư đang chờ đợi những diễn biến mới từ cuộc đàm phán này.
Tình trạng bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn ở thủ đô Washington, nơi Chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa một phần bởi mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump với Đảng Dân chủ về vấn đề xây tường biên giới chưa có dấu hiệu sẽ sớm được giải quyết.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể tụt về 0% trong quý I nếu tình trạng đóng cửa Chính phủ kéo dài đến hết tháng 3.
 Vụ đóng cửa lâu kỷ lục của Chính phủ Mỹ vẫn khiến nhà đầu tư thận trọng với các cổ phiếu.
“Các nhà đầu tư vẫn cảnh giác về khả năng sẽ xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết”, ông Harumi Taguchi - nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit nhận định.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng USD giảm 0,1% so với đồng yen Nhật, xuống mức 1 USD đổi được 109,47 yen. Đồng bạc xanh đã tăng lên 110,00 yen, mức cao nhất trong 1 năm trong phiên trước đó sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản thông báo giữ nguyên chính sách.
Tỷ giá đồng euro đi ngang ở mức 1 euro đổi được 1,1384 USD. Đồng tiền chung châu Âu hiện đã sụt hơn 1,5% sau khi leo lên mức cao nhất trong 3 tháng lên mức 1,1570 USD thiết lập trong phiên 10/1.
Trong khi đó đó, đồng bảng Anh tăng so với đồng USD, lên mức 1 bảng Anh “ăn” 1,3094 USD, đạt mức cao nhất trong 11 tuần khi các nhà đầu tư đặt cược rằng nước Anh sẽ tránh được kịch bản Brexit không có thỏa thuận với Liên minh châu Âu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần