Giới trẻ học ứng xử phản cảm ở đâu?

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự bùng nổ của mạng xã hội, giới trẻ có thể giao lưu, trao đổi thông tin một cách dễ dàng. Bên cạnh mặt tích cực đó, thì rất nhiều lời lẽ chửi tục theo kiểu mới trở thành câu cửa miệng của giới trẻ đã bị ảnh hưởng từ mạng xã hội.

 Video “Cho nhau uống thuốc ngủ rồi thả xuống ao” của kênh Youtube Nguyễn Thành Nam.
Triệu view nhờ trò “lố”
Việc trở thanh một hot facebooker hay youtuber có số lượng người theo dõi (subscribe) lớn đang là mục tiêu của nhiều bạn trẻ. Vì nhờ đó họ có được công việc tự do, nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền. Để kiếm được tiền từ trang mạng cá nhân, người làm video phải thu hút lượng đông người truy cập. Chính vì vậy mà không ít bạn trẻ đã không ngần ngại làm các video có yếu tố nhạy cảm, nguy hiểm hoặc thiếu văn hóa, nhằm tạo scandal, đạt nhiều lượt người xem và chia sẻ.

Trên các kênh youtube ở tài khoản của PewPew, TrauTv hay như NDT Gaming… mỗi lần phát trực tuyến đều thu hút vài chục nghìn người xem, dù trong đó có nhiều câu nói tục tĩu. Thậm chí, nhiều fan hâm mộ thu nhặt lại, tổng hợp thành một serie chửi tục để đăng lại trên các trang mạng xã hội khác. Điển hình là “PewPew và những câu chửi đi vào lòng người” luôn thu hút khoảng 2 triệu lượt theo dõi.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ tạo ra các kênh đăng tải các video về các trò chơi như thách hôn, thách ôm hay dàn cảnh đùa tục tĩu, phản cảm. Trong thời gian gần đây, cư dân mạng truyền nhau những video từ gameshow “Dare Pong”. Video này sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu những yêu cầu trong đó chứa những hành vi nhạy cảm như: “Hôn nhau trong 1 phút” hoặc “ăn đồ ăn trên cơ thể đối phương” hay “lấy khăn ướt lau người cho nhau”. Cũng nhờ thế, video đã thu hút 1 triệu lượt xem trên facebook và 4 triệu lượt xem trên youtube.
Ngoài ra, để thu hút, nhiều người còn bất chấp tính mạng của mình và người thân để dàn xếp những trò đùa nguy hiểm như cho bạn uống thuốc ngủ rồi thả xuống ao, ra nghĩa địa lúc nửa đêm, nhảy từ trên cao xuống đất hay thách thức hút thuốc bằng mũi… Điển hình nhất có lẽ là vụ việc youtuber Nguyễn Thành Nam bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội (PC50, Công an TP Hà Nội) tạm giữ khi là một trong số các “tác giả” của video clip "Trò đùa troll bom đường phố" gây náo loạn dư luận.

Thả nổi video phản cảm

Các kênh youtube có nội dung lành mạnh, cung cấp kiến thức cho giới trẻ như “Ms Hoa Toeic”, “Giải toán trên mạng” hay “TanHoaBanFood” còn khá ít. Trong khi đó, những video chửi bậy, khoe thân lố lăng xuất hiện ngày một nhiều và khó kiểm soát. PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học cho biết: “Xu hướng đăng trên mạng xã hội những hình ảnh, clip phản cảm, dung tục, rùng rợn hay kỳ quái gây ảnh hưởng rất lớn tới thái độ hưởng thụ và cách tiếp nhận cái đẹp trong văn hóa ứng xử. Việc này tạo nên sự lây nhiễm những thái độ, ứng xử xấu, rất nguy hại đến bộ phận giới trẻ. Nếu như không kịp thời có sự can thiệp để ngăn cản những hành động này thì sẽ rất nguy hiểm cho việc hình thành nên nhân cách của thế hệ trẻ trong tương lai”.

Không chỉ có các chuyên gia xã hội học, mà nhiều bạn trẻ như Tuấn Dương – sinh viên Đại học Điện lực Hà Nội cũng cực kỳ phản đối những livestream hay video phản cảm. “Những video livestream như “bán đồ lót online”, “đôi nam nữ làm tình trong quán trà sữa” hay “giang hồ xử nhau”… được phát trực tiếp công khai mà vẫn tồn tại, thậm chí còn được chia sẻ nhiều trên facebook hay youtube hàng ngày” – Tuấn Dương bức xúc.
Cùng quan điểm, chị Thúy Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) nhấn mạnh vào việc quản lý các nội dung trên các trang mạng xã hội như youtube hay facebook ở Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề. “Tôi thấy con trai tôi thường xuyên xem video của một bạn tên Nguyễn Thành Nam. Chẳng may mà con tôi hay các bạn nó trở thành nạn nhân của trò đùa nguy hiểm này thì sẽ ra sao? Bởi vậy cần có cách nào đó ngăn chặn ngay những video như vậy trên mạng” - chị Quỳnh trăn trở. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có cơ quan nào đứng ra kiểm soát, ngăn chặn đường truyền có chứa những video, livestream phản cảm này.