Giữ lửa cồng chiêng xứ Mường

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, bà Bùi Thị Bích Thìn (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) đã vận động thành lập câu lạc bộ, phối hợp cùng chính quyền địa phương gìn giữ, quảng bá loại hình nghệ thuật này.

Kết nối người yêu mến cồng chiêng
Xã Tiến Xuân là một trong 3 địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống của huyện Thạch Thất. Nhiều nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Mường như: Ném còn, hát ca hát ví và đặc biệt là cồng chiêng vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Một trong những người có công gìn giữ loại hình nghệ thuật này suốt hàng chục năm qua phải kể tới bà Bùi Thị Bích Thìn (sinh năm 1952). Từ khi lên 9 tuổi, bà Thìn đã học đánh chiêng. “Ngày mới làm quen, tôi thích lắm, vì bản thân được biết đến cồng chiêng, hiểu được lời ca, câu hát, điệu múa của dân tộc Mường” – bà Thìn nhớ lại.
 Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân thường xuyên tập trung tập luyện, chia sẻ kiến thức. Ảnh: Văn Thắng
Từ niềm yêu thích với cồng chiêng, hát múa dân gian, bà Thìn đã sưu tầm, gìn giữ các bài chiêng, lời ca, điệu hát ví cổ. Đồng thời, truyền lại cho các chị em trong đội văn nghệ, giới thiệu và biểu diễn cồng chiêng phục vụ bà con Nhân dân các thôn, xã trên địa bàn huyện.
Với mong muốn khơi dậy và quảng bá văn hóa cồng chiêng một cách sâu rộng hơn, bà Thìn đã đứng ra vận động các chị em trong đội văn nghệ ở các thôn thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân. Câu lạc bộ hiện thu hút được 25 hội viên, hoạt động ngày một chuyên nghiệp, thường xuyên biểu diễn trong các sự kiện tại thôn, xã, huyện và được Nhân dân rất yêu mến.
Lan tỏa giá trị truyền thống
Xã Tiến Xuân cũng như huyện Thạch Thất xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật vùng dân tộc thiểu số, trong đó có cồng chiêng, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, từ năm 2010 đến nay, địa phương liên tục mở các lớp dạy cách sử dụng cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Mường của 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Các thôn của cả 3 xã cũng được chính quyền hỗ trợ mua sắm hàng chục bộ cồng chiêng.
Được sự quan tâm của Ban Dân tộc TP, các sở, ngành của Hà Nội, Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân đã có cơ hội được đi giao lưu, trình diễn, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều sự kiện lớn. Qua đó, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Mường của Thủ đô đến với người dân khắp mọi miền. Dù vậy, công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng hiện vẫn còn không ít khó khăn. Thực tế hiện nay, kinh phí để sinh hoạt Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân chủ yếu do các hội viên đóng góp, chưa thể đáp ứng nhu cầu về mua sắm các bộ cồng chiêng, trang phục, đạo cụ biểu diễn.
Để tiếp tục phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bà Thìn kiến nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chủ trương và hỗ trợ kinh phí để Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân hoạt động. Cùng với đó, kết nối để câu lạc bộ được tham gia, biểu diễn tại các sự kiện; mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi cho các hội viên.
Năm 2015, bà Bùi Thị Bích Thìn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Với phần thưởng 10 triệu đồng khi được phong tặng danh hiệu, bà Thìn đã đóng góp để Câu lạc bộ mua một bộ cồng chiêng phục vụ việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.