Giữ lửa trong gia đình nhà giáo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỗi gia đình nhà giáo Hà Nội là mỗi hoàn cảnh khác nhau, với không ít những khó khăn, thế nhưng nhiều người trong số họ đã vượt qua tất cả bằng sức mạnh yêu nghề và yêu gia đình, lấy gia đình làm nền tảng vững vàng để hoàn thành xuất sắc công việc và trở thành những điển hình gia đình mẫu mực.

Quan tâm và sẻ chia

Mới đây, 179 gia đình nhà giáo tiêu biểu của Hà Nội đã được biểu dương và khen thưởng - những điển hình từ phong trào "Giỏi việc nước - đảm việc nhà", "Cô giáo người mẹ hiền", "Mẹ lao động giỏi, con học giỏi", "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Trong những gia đình ấy, các thành viên đều nỗ lực phấn đấu vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực học tập, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy các con nên người.

Trong tâm sự của các thầy cô, hiện lên hình ảnh những nhà giáo luôn tận tụy dạy học, quản lý giáo dục, với nhiều vất vả và tốn không ít thời gian. Nhưng sau công việc, họ vui vẻ trở về gia đình bên bữa cơm đầm ấm, cùng trò chuyện, tâm sự với nhau và dạy bảo, giáo dục con cái. Cuộc sống không phải lúc nào cũng yên bình mà có nhiều mâu thuẫn, vấn đề phức tạp, nhưng với quan điểm sống nói bằng mấy chữ có chút hài hước rằng "Phụ nữ luôn đúng", "Vợ là thủ trưởng không nhiệm kỳ" của thầy Nguyễn Công Chúng (Hiệu trưởng Trường THPT Phú Xuyên A) hay "Chồng vừa là ông chủ, vừa là đầy tớ; vợ vừa là bà chủ vừa là ôsin" của thầy Âu Văn Lợi (Giám đốc Trung tâm GDTX Đình Xuyên), các thày luôn đặt mình ở vị trí ngang bằng vợ, để quan tâm, sẻ chia, để gia đình được yên ấm, hạnh phúc.

Làm tốt hai vai

Với các cô giáo, những người giữ lửa trong gia đình và truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho học sinh, không chỉ hoàn thành xuất sắc công việc dạy học trên lớp mà còn luôn tất bật chăm lo cho chồng con, để chồng công thành danh toại, con cái ngoan hiền. Một số gia đình có hai vợ chồng đều là giáo viên như cô giáo Quách Giáng Hương (trường THPT Nguyễn Trãi) và thày giáo Phùng Hồng Cổn (trường THPT Phan Đình Phùng), đều là giáo viên dạy toán, nhưng họ không cảm thấy buồn tẻ, nhàm chán mà trái lại, hai người như đôi bạn tri kỷ có thể chỉ bảo con cái học tập, trao đổi nghiệp vụ cùng nhau, giúp nhau trong cả công việc lẫn cuộc sống.

 Để có được gia đình hạnh phúc, những người phụ nữ - cô giáo ấy phải vượt qua nhiều khó khăn. Cô Phùng Thị Thoa (trường Tiểu học Phùng Xá, huyện Thạch Thất) tâm sự, để hoàn thành nhiệm vụ cả việc dạy học lẫn thiên chức làm con, làm vợ, làm mẹ, cô đã phải hy sinh nhiều thứ. Cô vẫn lên lớp hàng ngày với trách nhiệm cao và tình yêu nghề cháy bỏng nhưng sau những giờ lên lớp cô lại chăm chỉ, cần mẫn trồng rau, nuôi gà, phụ giúp chồng, nuôi dạy con. Cô bảo "hạnh phúc của người phụ nữ là được quan tâm, chia sẻ với những người mình yêu thương".

Không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình, nhiều giáo viên còn san sẻ tình thương với học trò. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng (Trung tâm GDTX Phú Xuyên) gần 30 năm làm công tác chủ nhiệm, gắn bó với nhiều hoàn cảnh học sinh nghèo khó, bệnh tật. Dù gia đình không mấy khá giả, song cô đã tự mình xoay xở, hỗ trợ không ít học sinh, đưa các em trở lại lớp học. Nói như TS. Phùng Lan Hương, giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng là một nhà giáo "giỏi việc trường, đảm việc nhà": Kinh nghiệm thành công trong công việc là luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu, nhưng trong gia đình phải luôn xác định vai trò của người vợ, người mẹ.

Cuộc sống luôn là một nghệ thuật, để có thể làm tốt hai vai "việc trường, việc nhà", những thầy cô giáo phải sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học, đặc biệt việc nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo. Bởi trong công việc cũng như cuộc sống, các thầy cô luôn là những tấm gương đẹp, dạy học bằng cả nhân cách của mình.