Giữ vững niềm tin của Nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2018 tại 64 điểm cầu toàn quốc.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì hội nghị; tham dự tại điểm cầu Hà Nội có: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà.

Thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu

Trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 313 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã hoàn thành 279 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong năm 2018), không có nhiệm vụ quá hạn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo tại Hội nghị.

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 8 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 9 dự án khác (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với 3 luật, 1 nghị quyết). Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản. Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi của văn bản.

Trong công tác thi hành án dân sự, tổng số thụ lý là 882.630 việc (tăng 5,57% so với năm 2016), trong đó, số có điều kiện thi hành là 693.264 việc. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 559.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25% (tăng 0,72%) so với năm 2016, vượt chỉ tiêu được giao 9,25%.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của bộ đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của Bộ Tư pháp tăng 3 bậc, xếp thứ 6/19 bộ, ngành được đánh giá… Năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật. Tăng cường năng lực phản ứng chính sách đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội…

Đột phá trong cải cách hành chính

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã thông tin một số kết quả công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo hoạt động tư pháp tại Thủ đô.

Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tại Thủ đô đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Hà Nội hoàn thành 20 chỉ tiêu pháp triển kinh tế - xã hội, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,3% (cách tính cũ tăng 8,5%) cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số CCHC tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục, được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo; môi trường đô thị tiếp tục được xanh, sạch hơn…

Công tác tư pháp của TP tiếp tục được duy trì, tổ chức tốt, có nhiều chuyển biến tích cực. Việc triển khai Luật PBGD pháp luật, các chương trình, kế hoạch đều được chú trọng quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngành Tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các đơn vị triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền địa tử. Trong năm 2017, nhiều dịch vụ công của TP trong lĩnh vực tư pháp từ cấp xã đến TP đã được triển khai thực hiện, góp phần đẩy mạnh CCHC, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân Thủ đô. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng lĩnh vực tư pháp cấp xã tăng từ 75% lên 94%...

Năm 2018, TP Hà Nội xác định là năm “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” để công tác tư pháp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn nữa. Theo đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ công tác tư pháp trên địa bàn TP theo định hướng trọng tâm công tác của Bộ Tư pháp, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Chương trình công tác lớn của Thành ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2021 của TP, nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong năm 2018; tăng cường cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận tiện cho tổ chức, công dân khi thực hiện các TTHC trong lĩnh vực tư pháp; tập trung triển khai việc liên thông TTHC ở một số lĩnh vực. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung vào việc số hóa dữ liệu hộ tịch, mở rộng việc áp dụng dịch vụ công nhằm đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự đột phá trong chỉ đạo, triển khai công tác tư pháp...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, năm 2018, Bộ Tư pháp, ngành tư pháp tập trung phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua, như Bộ luật Hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin... Tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự. Xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng....