Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cải thiện đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là một trong những nhiệm vụ được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách đã đi vào thực tiễn giúp từng bước cụ thể hóa mục tiêu trên.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%
Năm 2019, TP Hà Nội đã phân bổ 14,8 tỷ đồng cho đồng bào vùng DTTS và miền núi vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, từ năm 2014 - 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội TP đã cho gần 7.300 lượt hộ DTTS nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tiếp tục đến trường, với số tiền trên 214 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, hiệu quả với các giải pháp cụ thể.
 Nghề làm thuốc Nam của đồng bào dân tộc Dao ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Cùng với các chính sách của T.Ư, TP cũng đã chủ động điều chỉnh các cơ chế bảo đảm phù hợp hơn với các đối tượng. Theo đó, Hà Nội đã nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo trên địa bàn xã khu vực II từ định mức của Chính phủ là 80.000 đồng lên 150.000 đồng/người/năm; xã khu vực III từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/người/năm. Giai đoạn 2014 đến nay, Hà Nội đã bố trí gần 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào vùng DTTS thuộc hộ nghèo.
Nhờ những trợ lực kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi liên tục giảm qua các năm. Đến nay, con số này chỉ còn khoảng 3%. Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS và miền núi của Thủ đô đã tăng lên 37 triệu đồng/người/năm. Đến nay, Hà Nội đã không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Đa dạng các loại hình kinh tế
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên trình độ phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, nhất là về mức sống, vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực đồng bằng, đô thị. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo của một số xã còn cao.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế vùng DTTS và miền núi của Thủ đô tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng sự chuyển dịch còn chậm. Năng suất lao động, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, cải thiện đời sống cho đồng bào là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi của Thủ đô. Chính vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả các chính sách dân tộc đã ban hành. Trên cơ sở đó, đề xuất với Chính phủ, TP kịp thời điều chỉnh hoặc ban hành mới các cơ chế đặc thù, phù hợp, nhất là các chính sách hỗ trợ sản xuất.
Để tiếp tục cải thiện đời sống cho đồng bào vùng DTTS, Ban Dân tộc đề nghị TP có cơ chế, chính sách ưu tiên các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn vùng DTTS và miền núi của Thủ đô nhằm tạo việc làm cho người lao động.
Các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, dịch vụ; phát triển nông nghiệp, nông thôn miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với đặc điểm từng thôn, xã.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng DTTS và miền núi. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo, kêu gọi các tổ chức, DN đầu tư cho sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào vùng DTTS và miền núi của Thủ đô...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần