Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giúp người tiêu dùng nhận diện thực phẩm an toàn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giúp người tiêu dùng (NTD) nắm bắt thông tin về địa chỉ nông sản sạch, bổ sung kiến thức về nhận diện thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho hàng trăm hội viên phụ nữ các quận.

Người tiêu dùng tham quan thực tế HTX Chăn nuôi Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ánh Ngọc
Trang bị kiến thức bổ ích
ATTP đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và được TP Hà Nội rất quan tâm. Nguồn gốc của tình trạng mất ATTP bắt nguồn từ trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, hooc-môn tăng trưởng, sử dụng vaccine, kháng sinh, chất phụ gia, bảo quản không đúng cách. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, hiện nay, NTD đang thiếu thông tin về các kênh cung ứng sản phẩm an toàn nên không biết mua thực phẩm an toàn ở đâu. Do vậy, qua việc tổ chức các chương trình thực tế và hội thảo gắn kết người sản xuất và NTD, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội muốn đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các mô hình sản xuất an toàn đã được chứng nhận. Đồng thời, nâng cao kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và các chuỗi liên kết giá trị cho NTD.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Kinoko Thanh Cao Dương Thị Thu Huệ chia sẻ, NTD có quyền biết được quá trình sản xuất sản phẩm của DN thông qua truy xuất nguồn gốc và được các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế uy tín giám định kiểm định theo tiêu chí cụ thể, minh bạch. Mặc dù sản phẩm nấm kim châm của Công ty Kinoko đã đến được với NTD Thủ đô thông qua các kênh siêu thị, song không ít khách hàng vẫn nhầm lẫn khi lựa chọn mua sản phẩm. Do đó, hội thảo là cơ hội để NTD nhận biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm nấm kim châm an toàn, được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam.

Tạo thói quen tiêu dùng thông thái

Tham dự chương trình hội thảo, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã được đi thăm và tìm hiểu thực tế mô hình sản xuất nấm công nghệ cao tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức và HTX chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Chị Trần Thị Tâm, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng chia sẻ: “Tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất và thưởng thức các món ăn chế biến từ nông sản an toàn ngay tại cơ sở sản xuất nên tôi hoàn toàn tin tưởng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Tôi sẽ chia sẻ địa chỉ cung cấp thịt lợn an toàn cũng như cách phân biệt nấm kim châm do Việt Nam sản xuất tới người thân, bạn bè của mình”.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Hiền Phương cho biết, Hội luôn hướng tới việc giúp chị em phụ nữ và gia đình có được bữa ăn thực sự an toàn và chất lượng. Chương trình hội thảo lần này đã góp phần giúp hội viên phụ nữ tạo cho mình thói quen tiêu dùng thông thái, chỉ mua nông sản, thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, được cấp giấy chứng nhận.

Hiện, mỗi năm Hà Nội mới tự cung ứng được 1.000 tấn thịt lợn, bằng 70% nhu cầu, 700 tấn cá (32%) và 2.500 tấn rau củ… Chính vì nguồn cung tại chỗ không đủ nên Hà Nội đã phải bổ sung một lượng lớn nông sản từ các tỉnh. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát chất lượng nông sản an toàn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, đến nay, Chi cục đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Thông qua việc xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn, bước đầu đã hình thành các điểm bán nông sản an toàn được kiểm soát theo chuỗi, giám sát thường xuyên nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng.
Hội thảo lần này là cơ hội để NTD tìm hiểu thông tin về địa chỉ bán nông sản an toàn trên địa bàn TP. Đây cũng là cơ hội để người sản xuất, nhà phân phối cùng chia sẻ những kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương