Giúp những mảnh đời thiệt thòi “nở hoa”

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dành cả sự nghiệp để cải thiện điều kiện thể chất, tâm lý xã hội, kinh tế và nhận thức về HIV/AIDS của hàng ngàn gái mại dâm, người nghiện ma túy, người sống chung với HIV…

Đó là sơ lược về công việc của Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), BS. Khuất Thị Hải Oanh đã và đang làm. Chị cũng là người duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng “Tầm nhìn 2016” từ Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC).
 Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (đứng giữa) tại lễ trao giải thưởng “Tầm nhìn 2016”

từ Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC).

BS. Khuất Thị Hải Oanh tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Y (tại Anh) và có nhiều hoạt động gắn bó với những người bị xã hội kỳ thị. Như chị chia sẻ, căn bệnh thế kỷ (HIV/AIDS - PV) này có thể giết người, mà chính sự kỳ thị, xa lánh, không yêu thương, không thấu hiểu cũng gây chết người tương tự. Những gì chị làm là để hy vọng một ngày nào đó những người có HIV sẽ không còn sợ hãi vì sự kỳ thị của xã hội và người thân bởi họ có quyền như tất cả chúng ta.
Nhưng làm thế nào để giảm và đi đến chấm dứt sự kỳ thị của xã hội đối với những nhóm cá nhân bị cho là tạo ra “tệ nạn xã hội”? Câu hỏi không dễ trả lời. Kể từ khi chị đồng sáng lập Viện Nghiên cứu phát triển xã hội năm 2002, công việc chuyên môn càng khiến chị lo ngại về tình hình HIV ở Việt Nam chưa có dấu hiệu giảm. “Để phòng HIV không chỉ có các chính sách phù hợp, còn phải biết huy động các nhóm tài trợ khác nhau của xã hội, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam...”, chị trăn trở. Đồng nghiệp của chị vẫn thường đùa rằng: “Chị là người chuyên… hát ru bệnh nhân AIDS”. Bởi nhiều năm qua, chị đã âm thầm đến với các thành viên của các câu lạc bộ bạn giúp bạn như "Vì ngày mai tươi sáng" hay "Hướng Dương"… Chị tư vấn cho họ cách chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn cách dùng thuốc và chia sẻ cùng họ những khó khăn vất vả trong cuộc sống. Và bằng giọng nói nhỏ nhẹ vốn có, chị đã giúp họ vững vàng hơn trong những tháng ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Họ, trong những đêm gặp ác mộng, đã gọi điện cho chị như tìm một điểm tựa. Khi nghe những lời chị động viên, họ đã tĩnh tâm và tìm được cho mình sự yên ổn.
Nói đến BS. Hải Oanh là những hành trình. Trải qua thời gian dài hỗ trợ người nhiễm HIV và ấp ủ ước mơ thành lập một tổ chức của những người bị bệnh, nhưng phải đến khi được giải thưởng “Lãnh đạo trẻ toàn cầu” (năm 2009), chị mới đủ tự tin. Trong hành trình chống lại căn bệnh HIV/AIDS, chị hướng đến những hoạt động định hướng về tinh thần cho người nghiện ma túy, người có HIV... Từ con số vài nhóm ban đầu, hơn 200 nhóm của những người nghiện ma túy, người có HIV đã được thành lập trên 40 tỉnh/thành. Khi nói về lựa chọn dừng công việc hành nghề y để quyết tâm theo đuổi sự nghiệp phát triển sức khỏe cộng đồng, chị Oanh chia sẻ: “Các bác sĩ lâm sàng điều trị cho từng bệnh nhân một. Còn một chương trình y tế công cộng tốt, một chính sách tốt có thể cứu được rất nhiều mạng người và cải thiện cuộc sống của nhiều người, vì lý do đó, tôi đã rời bệnh viện để làm cán bộ cho một chương trình sức khỏe của Mỹ”.
Nói về sự thành công, chị bảo: “Chính niềm đam mê công việc đã dẫn đường cho chị đi đến ngày hôm nay”. Trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên không mấy hạnh phúc, nhưng rồi trong thời gian nghiên cứu phòng chống AIDS, chị đã gặp được người đàn ông mới, anh là bác sĩ phòng chống AIDS của WTO tại Việt Nam. "Tôi biết ơn cha mẹ và gia đình đã cho tôi cơ hội học hành để trở thành một người có ích, để tôi có thể sử dụng các tiềm năng của mình. Tôi cũng biết ơn chồng tôi đã luôn luôn hỗ trợ, chăm sóc con cái, gia đình để tôi có thể làm những việc gần với trái tim của mình” - chị Oanh chia sẻ.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần