Gỡ bài toán thiếu cơ sở vật chất văn hóa

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được sự quan tâm, đầu tư lớn của TP nên đời sống tinh thần vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô đã được cải thiện rõ nét. Dù vậy, khó khăn chưa phải đã hết.

8/14 thôn chưa đạt tiêu chí văn hóa
Nằm ven hồ Đồng Sương, thôn Đồng Ké (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) là một trong 14 địa phương còn nhiều khó khăn thuộc vùng dân tộc miền núi của Hà Nội. Ông Nguyễn Viết Đăng - Trưởng thôn Đồng Ké cho biết, nếu cách đây chừng 5 năm, cơ sở vật chất nói chung trên địa bàn gần như không có gì, thì nay, nhờ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của TP, cơ sở hạ tầng của thôn Đồng Ké đã gần như không thiếu gì! Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang là công trình mới nhất bà con dân tộc nơi đây được thụ hưởng. Nhờ có nhà văn hóa, bà con đã có địa điểm sinh hoạt cộng đồng đầy đủ tiện nghi giống như cách ông Đăng ví von: “Không thua kém gì miền xuôi”!

Nhà văn hóa thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) được xây dựng khang trang, rộng đẹp. Ảnh: Trọng Tùng

Tuy nhiên, không phải vùng dân tộc miền núi nào của Hà Nội cũng có được cơ sở vật chất văn hóa đủ đầy như tại Đồng Ké. Đơn cử, tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì), nhà văn hóa thôn 4 hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhà văn hóa thôn Lâm Nghiệp thậm chí không còn sử dụng được, đang chờ được xây mới. Trong khi sân vận động đồi Bù Cu cũng đang bị hư hỏng, cần được nâng cấp mới có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt... Những sự thiếu hụt nêu trên là nguyên nhân khiến xã Ba Trại không đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhưng không chỉ ở xã Ba Trại, theo thống kê của Ban Dân tộc TP Hà Nội, hiện có tới 8/14 xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô chưa đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 
Đa dạng nguồn vốn đầu tư
Theo ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội, khó khăn lớn nhất đối với mục tiêu đồng bộ hạ tầng văn hóa vùng dân tộc miền núi vẫn là nguồn vốn. Những năm qua, bên cạnh kinh phí được bố trí thuộc Kế hoạch số 166 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô” giai đoạn 2011 - 2015, TP đã chỉ đạo các quận nội thành hỗ trợ các địa phương vùng dân tộc xây dựng hàng chục công trình văn hóa. Thống kê đến nay, 12 quận đã hỗ trợ 3 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai xây dựng 46 nhà văn hóa với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Chính sách huy động nguồn vốn đúng đắn, kịp thời của TP đã góp phần giải quyết căn bản bài toán thiếu hụt nhà văn hóa.
Là địa phương được các quận giúp sức xây dựng 40 nhà văn hóa, vừa qua, huyện Ba Vì tiếp tục được quận Thanh Xuân hỗ trợ khoảng 10 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng. Ông Bạch Công Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì bày tỏ sự trân trọng, đồng thời khẳng định: Địa phương không ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của TP, các quận nội thành. Hiện, Ba Vì đang tiếp tục vận động các tổ chức, DN ủng hộ vốn xây dựng nông thôn mới, trong đó có hợp phần hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc. Các xã cũng xây dựng trong kế hoạch ngân sách năm 2017 nguồn kinh phí để chủ động nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn.
TP Hà Nội cũng vừa phê duyệt Kế hoạch số 138 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô” giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, dự kiến bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng cho nâng cấp hạ tầng. Dù vậy, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho rằng, nguồn vốn này chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu về vốn phát triển hạ tầng. Do đó, các địa phương cần tranh thủ sự hỗ trợ của các quận nội thành, có cơ chế thu hút, kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Trên cơ sở rà soát tính cấp thiết, có đề xuất TP ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho những công trình cụ thể.