Gỡ khó cho chuỗi gà đồi Sóc Sơn

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 3 năm thành lập, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đã và đang trở thành địa chỉ uy tín cung cấp nguồn thịt gà chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn cần được tháo gỡ một số khó khăn.

Mô hình chăn nuôi gà đồi theo chuỗi tại huyện Sóc Sơn cho hiệu quả kinh tế cao
Hiện tại, Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn có 30 thành viên, quy mô chăn nuôi trung bình 60.000 - 70.000 con/năm. Nhờ chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nên giá bán gà thịt luôn cao hơn 10% so với gà nuôi đại trà. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của chuỗi đang dần ổn định nhờ thông qua hợp đồng, xác định rõ trách nhiệm thành viên tham gia chuỗi. Không những quy trình sản xuất được kiểm soát chặt từ khi nhập con giống, tới chăm sóc, Sở NN&PTNT còn hỗ trợ xây dựng khu giết mổ, sơ chế, đóng gói sản phẩm gà đồi tại xã Quang Tiến, công suất 360.000 con/năm, đảm bảo các quy định về vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng thông qua việc truy xuất nguồn gốc, Hội đã đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gà đồi Sóc Sơn.
Đánh giá hiệu quả hạt động của mô hình chăn nuôi gà đồi Sóc Sơn theo chuỗi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung nhận định, khi các hộ dân tham gia tổ chức theo chuỗi đã làm giảm chi phí sản xuất do giá nhập các nguyên liệu đầu vào như thức ăn, con giống, thuốc thú y giảm hơn so với nhập lẻ. Thành viên tham gia chuỗi có lịch sản xuất cụ thể, giảm thiểu sự tập trung sản xuất theo mùa vụ như trước, giúp ổn định nguồn hàng trên thị trường.

Mặc dù sản phẩm gà đồi Sóc Sơn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, thu nhập của các hộ tham gia chuỗi được nâng lên, song, hiện nay, người dân còn khó khăn do thiếu vốn để mở rộng quy mô trang trại. Đó là chưa kể các thủ tục bao gói lưu thông ra thị trường còn vướng ở một số khâu, nhất là tem nhãn, thiết bị bảo quản sản phẩm. Đáng nói, do thói quen của người tiêu dùng vẫn sử dụng gà sống, gà lông, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ sản phẩm đóng gói của chuỗi. Đặc biệt là công tác quản lý còn bất cập, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán trên thị trường dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.

Để nâng cao hiệu quả của chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, ông Đông kiến nghị, TP và huyện tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa sản phẩm có nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường.