Gỡ khó cho Chương trình OCOP

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã tạo cơ hội cho các làng nghề sản xuất hàng Việt. Tuy nhiên, để các làng nghề đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cần tăng cường xúc tiến thương mại, qua đó mở rộng thị trường và quảng bá thương hiệu”.

 Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga.
Đó là khẳng định của Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga.
Từ năm 2018, chương trình OCOP được thực hiện trên phạm vi cả nước, vậy sau 2 năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả gì thưa bà?
- Năm 2018, Thủ tướng đã phê duyệt thực hiện chương trình OCOP trên phạm vi cả nước (giai đoạn 2018 - 2020), với trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chương trình do các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể thực hiện, qua đó góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Sau 2 năm thực hiện, đã xác định được 6.010 DN, hợp tác xã, hộ gia đình... tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế của địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm. Các sản phẩm này tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn và làng bản văn hóa gắn liền với du lịch.
Cụ thể, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; đồ uống 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm… Qua đó đã giúp người dân, DN, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh.
Cả nước có 9.000 xã nhưng nhiều nơi có điều kiện tự nhiên, xã hội giống nhau. Điều này có tạo ra sự "trùng lặp" các sản phẩm dẫn đến khó phát huy được lợi thế của từng địa phương?
- Tên gọi chương trình OCOP chỉ là tương đối, quan trọng nhất ở đây là các sản phẩm được chuẩn hóa quy trình sản xuất, đề cao các giá trị truyền thống gắn liền với mỗi sản phẩm nên không yêu cầu mỗi xã 1 sản phẩm chuyên biệt mà có thể sản xuất cùng một loại sản phẩm. Ngoài ra, chương trình OCOP tập trung vào các sản phẩm nhỏ, ở các địa bàn xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra việc làm và thu nhập bền vững cho người dân, chứ không phải là sản phẩm quốc gia hay sản phẩm cấp tỉnh.
 DN bán lẻ và DN sản xuất sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Vậy trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP có gặp phải những khó khăn không, thưa bà?
- Mục tiêu của chương trình đến năm 2020 sẽ có 3800 sản phẩm OCOP nhưng đến nay mới chỉ có trên 700 sản phẩm được công nhận, sản lượng sản phẩm không nhiều nên việc xây dựng thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt một số sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền quy mô nhỏ, sản lượng phụ thuộc vào thời tiết như quýt Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm trong Chương trình OCOP là yêu cầu cấp thiết và vô cùng quan trọng.
Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì hỗ trợ địa phương đưa các sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng?

- Nhằm phát triển thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, từ năm 2018 đến nay Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 12 tỉnh xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống bán lẻ. Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm OCOP đã ký kết tiêu thụ với các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài như Big C, Aeon...
Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phát triển thị trường trong nước, từ đó thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt. Từ đó tạo liên kết chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng từ T.Ư đến địa phương, từ DN đến cơ quan quản lý nhà nước... qua đó giúp địa phương đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, bà có lời khuyến gì đối với các DN, địa phương sở hữu sản phẩm OCOP?
- Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển... nhưng để làm được điều này đòi hỏi DN nếu chú trọng đầu tư, tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng; ngoài ra DN cần chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, hiện nay khi ngành du lịch đang có những bước phát triển mạnh mẽ, khách du lịch cũng có nhu cầu rất lớn về việc thưởng thức ẩm thực; mua các sản phẩm lưu niệm, hàng đặc sản, thủ công mỹ nghệ... Vì thế, các địa phương, DN cần đặc biệt quan tâm tới việc kết nối giữa ngành thương mại và ngành du lịch qua đó mở kênh tiêu thụ hàng hóa.
Các địa phương tham gia chương trình OCOP cần khuyến khích HTX, DN vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. Các sản phẩm OCOP phải đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Đặc biệt trong giai đoạn này các địa phương ngoài việc xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu cấp quốc gia, cấp tỉnh, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết vùng miền và DN bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn bà!