Gỡ khó cho nông nghiệp sạch

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về khuyến khích sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, các chính sách này vẫn bộc lộ không ít bất cập.

Sơ chế thịt lợn tại dây chuyền giết mổ khép kín thuộc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc
Thiếu chế tài xử lý vi phạm
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành 157 cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 14 huyện và vùng rau an toàn hơn 5.000ha. Bên cạnh đó, TP còn hình thành 76 xã chăn nuôi trọng điểm, hơn 3.000 trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
Nông nghiệp sạch, an toàn là xu hướng phát triển tất yếu trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Vì vậy, muốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bên cạnh vận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hà Nội cần thực hiện giải pháp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất.

GS Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện chính sách ban hành về phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và một số văn bản quản lý còn bất cập, không thống nhất. Chẳng hạn, chưa có quy định về xác định nguồn gốc thủy sản và sản phẩm thủy sản. Điều này gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm tươi sống. Ngoài ra, cũng chưa có quy định về việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tươi trong quá trình lưu thông nên không xử lý được vi phạm. Đối với lĩnh vực chăn nuôi – thú y, do trong Luật Thú y đã bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh nên công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật cũng gặp lúng túng.

Hiện, toàn TP có hơn 20.000 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ. Thực hiện Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Theo đó, TP đã phân cấp cho các xã, thị trấn quản lý đối với cơ sở nhỏ lẻ, tổ chức ký cam kết, trong đó, yêu cầu không sử dụng chất thải từ động vật và con người để nuôi trồng thủy sản. Nhưng thực tế các vùng trũng nuôi trồng thủy sản kết hợp với lúa, chăn nuôi vẫn xả thải không theo quy định. “Trách nhiệm giao cho cấp xã quản lý, nhưng thời gian qua, hầu như chính quyền địa phương vẫn chưa có hình thức kiểm tra và xử lý vi phạm này” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết.

Tháo gỡ khó khăn

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho TP có cơ chế hỗ trợ cơ sở, DN xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để quản lý tốt nguồn thực phẩm vào TP. Qua đó, tạo tiền đề để Hà Nội trở thành trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, nông sản an toàn của cả nước. Bên cạnh đó, TP quyết liệt chỉ đạo các huyện thực hiện quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch xây dựng khu giết mổ tập trung, từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh theo quy định. Đồng thời, tiếp tục có chính sách hỗ trợ các cơ sở giết mổ đủ điều kiện ATTP trên địa bàn và đẩy nhanh tiến độ các dự án giết mổ tập trung tại địa phương.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh đề xuất, Nhà nước nên bãi bỏ hoặc sửa đổi thủ tục hành chính chứng nhận đủ điều kiện ATTP, thủ tục đánh giá xếp loại cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đồng thời Chính phủ nên ban hành Nghị định quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau lưu thông, thương mại trên thị trường, đặc biệt đối với tất cả các sản phẩm rau tại các vùng sản xuất phải được kiểm soát ở chợ đầu mối nhằm tạo sự minh bạch trong khâu tiêu thụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần