Gỡ khó cho tiêu chí số 13

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình thức tổ chức sản xuất hay nói cách khác là hoạt động của các hợp tác xã (HTX) là tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiêu chí mà nhiều địa phương gặp khó trên đường về đích.

Để thúc đẩy sự phát triển của các HTX, một trong những yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Nhận thức được đòi hỏi trên, trong 10 năm qua, T.Ư cũng như các địa phương đã tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thành viên tham gia phát triển HTX.
Theo đó, từ năm 2007 đến nay, đã có trên 391.284 lượt cán bộ, thành viên các HTX trên cả nước được hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản trị HTX. Trên 34.973 cán bộ các HTX cũng đã được hỗ trợ đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp đến đại học.
Trồng hoa lan theo công nghệ cao tại HTX Đan Hoài, Đan Phượng. Ảnh: Công Hùng
Ngân sách T.Ư hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành viên các HTX từ năm 2007 đến nay là trên 440 tỷ đồng. Trong khi đó, các địa phương cũng chủ động bố trí trên 631 tỷ đồng cho công tác này. Đáng chú ý, số lượt người được tham gia đào tạo, bồi dưỡng tăng dần qua các năm, trung bình mỗi năm tăng khoảng 20%. Đối tượng được tham gia tập huấn cũng được mở rộng cho cán bộ quản lý và thành viên các HTX.
Chính sách cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực của T.Ư đã tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên các HTX. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao ngày một tăng. Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ quản lý các HTX có trình độ từ sơ cấp trở lên chiếm khoảng 65% tổng số cán bộ HTX.
Đánh giá cho thấy, những lớp tập huấn, bồi dưỡng đã góp phần giúp cán bộ quản lý trong các HTX cải thiện năng lực điều hành, giúp các HTX đi vào nền nếp, từng bước sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó, giảm dần tỷ lệ HTX hoạt động yếu kém, đa dạng các mô hình HTX khá giỏi, đáp ứng yêu cầu thị trường…
Mặc dù chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, theo bà Chu Thị Vinh – Trưởng phòng Quản lý HTX (Cục Phát triển HTX – Bộ KH&ĐT), số lượng cán bộ, thành viên HTX được đào tạo, bồi dưỡng vẫn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 6%) so với tổng số 6 triệu cán bộ, thành viên HTX trên cả nước. Kinh phí cho đào tạo, tập huấn còn hạn hẹp; các định mức cho công tác này cũng còn quá thấp so với thực tế.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, chưa có hệ thống đào tạo, bồi dưỡng về kinh tế tập thể, HTX một cách bài bản, thống nhất. Các bộ, ngành cũng chưa thực hiện được việc đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Trong khi, nội dung đào tạo, tập huấn vẫn nặng về lý thuyết, ít thực tiễn... Đây là những vấn đề mà các bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tiếp tục tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần