Gỡ khó cho tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được TP thường xuyên quan tâm, triển khai đạt kết quả khả quan, với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực với người dân. Song, thực tế khảo sát trên địa bàn mới đây cho thấy, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

 Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi giám sát ở quận Long Biên. Ảnh: Linh Chi
Nhiều đổi mới
Theo đánh giá của Ban Pháp chế HĐND TP, qua khảo sát, từ năm 2016 đến nay, công tác PBGDPL của TP ngày càng có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của TP theo chủ đề năm, như “Năm trật tự văn minh đô thị 2016”, “Năm kỷ cương hành chính 2017”. Sở Tư pháp đã thể hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, tích cực kiểm tra, hướng dẫn các quận, huyện.

Khảo sát cũng cho thấy, đội ngũ báo cáo viên pháp luật từ TP đến tận xã, phường… thường xuyên được kiện toàn, tập huấn. UBND cấp huyện cũng triển khai đầy đủ văn bản hướng dẫn về công tác PBGDPL của TP, với hình thức phổ biến ngày càng đa dạng. Điển hình quận Hoàng Mai tổ chức 2.694 hội nghị, thị xã Sơn Tây 1.866 hội nghị tuyên truyền…; quận Bắc Từ Liêm tổ chức 405 hội nghị, Cầu Giấy 173 hội nghị tập huấn… Nhiều quận, huyện biết vận dụng, kết hợp TTPBPL thông qua hòa giải ở cơ sở, góp phần giảm đáng kể đơn thư, một số đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao là Ba Đình 93%, Long Biên 92,5%...

Gỡ khó về kinh phí

Dù đạt kết quả tích cực, song thực tế một số nơi, việc triển khai công tác PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa sâu rộng đến nhiều người dân, nhất là ở vùng xa trung tâm, một số hình thức tuyên truyền phát huy hiệu quả không cao. Nhiều tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở hạn chế về năng lực, kỹ năng truyền đạt, nên hiệu quả TTPBGDPL thấp như quận Hà Đông, Hoàng Mai, huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức… Một số nơi, việc luân chuyển đầu sách và khai thác sử dụng tủ sách pháp luật cũng có hiệu quả chưa cao, không thường xuyên rà soát văn bản pháp luật hết hiệu lực. Trong khi, nhiều địa phương lúng túng khi triển khai tủ sách pháp luật điện tử.

Đặc biệt, đại diện nhiều quận, huyện phản ánh, rào cản lớn hiện nay là chưa có quy định về định mức kinh phí, hướng dẫn lập dự toán riêng kinh phí ở mỗi cấp cho công tác PBGDPL. Trong khi, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này vẫn hạn chế. Cũng vì thế, việc chi thù lao cho các hòa giải viên, chi hỗ trợ cho hoạt động các tổ hòa giải chưa đầy đủ.

Từ thực tế tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thu Hương đề nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện chính sách, chế độ cho báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở làm nhiệm vụ PBGDPL. Nhất là, các bộ, ngành và TP cần rà soát bổ sung các quy định pháp luật về bảo đảm kinh phí cho hoạt động này; khi chủ trì các chương trình PBGDPL cần đặc biệt quan tâm kinh phí cho cấp huyện, xã.

Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND TP đề nghị TP tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện tốt các kế hoạch, đề án về PBGDPL, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên Hội đồng PBGDPL, đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ. Đồng thời, TP cần chỉ đạo UBND cấp huyện chú trọng hình thức tuyên truyền sâu rộng, phù hợp từng loại đối tượng; mở rộng xã hội hóa, ứng dụng CNTT để đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Đáng chú ý, Ban kiến nghị TP quan tâm bố trí kinh phí và chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính gỡ khó cho các quận, huyện trong xây dựng dự toán, sử dụng kinh phí cho công tác TTPBGDPL thống nhất trên toàn TP.
"Hiệu quả tuyên truyền PBGDPL cuối cùng phải là giảm vụ vi phạm pháp luật, khiếu nại đông người, trong khi thực tế tại TP còn xảy ra không ít biểu hiện vi phạm pháp luật" - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh. Vì vậy, tới đây, Sở Tư pháp cần đưa các giải pháp vào đề án tuyên truyền PBGDPL được đúng, trúng, xác định trách nhiệm của cán bộ chủ chốt các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần