Gỡ khó đầu ra cho sản phẩm công nghiệp

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN công nghiệp chủ lực (CNCL) TP Hà Nội gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao. Khi dịch bệnh dần được khống chế, các DN mong muốn TP Hà Nội có các chính sách hỗ trợ thiết thực, từ đó giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Sản xuất tại Công ty Nhựa Hà Nội. Ảnh: Lê Nam
Nhiều doanh nghiệp gặp khó
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 9, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất số với những năm gần đây, cụ thể 9 tháng năm 2018 tăng 7,4% và năm 2019 tăng 7,8%.

Phản ánh về những khó khăn mà DN sản xuất hàng CNCL TP Hà Nội gặp phải do dịch Covid-19, tại hội nghị “Đối thoại với các DN sản xuất CNCL” do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức, Chủ tịch HĐQT khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng cho biết: Dịch Covid-19 khiến nhiều nước đóng cửa biên giới nên hầu hết các đơn hàng đều hủy bỏ hoặc chậm thanh lý. Dự kiến, năm 2020 DN phải hạ thấp chỉ tiêu kế hoạch khoảng 14%. Còn Chủ tịch Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết, khó khăn lớn nhất đối với DN công nghệ là vấn đề vốn vay sản xuất. Song với đặc thù ngành nghề, các DN trong lĩnh vực này không thể mang tài sản trí tuệ ra thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng tình với phản ánh này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường Dương Thu Phương nêu rõ: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN FDI không sang được Việt Nam, kéo theo các hoạt động sản xuất phải tạm dừng. Vì vậy, các hợp đồng của DN với đối tác cũng giảm sút kéo theo sản lượng thực hiện chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2019. “Nếu như năm 2019, DN có 716 nhân sự, thì đến tháng 7/2020 chỉ còn hơn 500 người, do có hơn 140 người làm đơn xin nghỉ việc vì công ty không đủ công ăn việc làm thường xuyên” - bà Phương nói.

Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo phản ánh của nhiều DN, mặc dù Chính phủ, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, bảo hiểm và các chi phí khác... song các chính sách này vẫn chưa đến được với DN, rất cần tiếng nói của các cơ quan chức năng để chính sách sớm thực thi giúp DN vượt qua khó khăn.

Trước những phản ánh từ phía DN về việc chưa tiếp cận được cơ chế, chính sách hỗ trợ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Vương Đình Thanh thừa nhận: Dù đã có đề án phát triển sản phẩm CNCL nhưng Hà Nội vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đồng bộ, xứng tầm và đủ mạnh dành cho DN sản xuất sản phẩm CNCL. “Bất cập này đã khiến nhiều DN lớn, có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao có thể đóng góp lớn vào nền kinh tế Thủ đô (trong đó có DN FDI) chưa tham gia và hưởng ứng chương trình”- ông Thanh nói.

Nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu để UBND TP Hà Nội ban hành các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho DN sản xuất sản phẩm CNCL. Cụ thể, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh. “Đặc biệt, TP sẽ tăng cường xét chọn các sản phẩm CNCL; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ DN CNCL tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư...” - bà Lan nói.

Thực tế, để các DN sản xuất sản phẩm CNCL thực sự trở thành một động lực quan trọng phát triển kinh tế Thủ đô, UBND TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm CNCL giai đoạn 2021 – 2025 với nguồn ngân sách là 200 tỷ đồng. Theo đó UBND TP sẽ hỗ trợ, tư vấn cho DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực, năng lực quản trị DN. Qua đó tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao, từng bước hình thành các sản phẩm CNCL đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh khó khăn càng cần DN đổi mới, tìm giải pháp vượt khó để tồn tại và phát triển. Các DN Việt Nam nên sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của nhau để hỗ trợ nhau trong giai đoạn này, đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, siết lại quy trình sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm các chi phí không cần thiết.

Chủ tịch HĐQT khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng