Gỡ khó, PVN quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vốn và tài sản lớn là một trong những nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, sắp xếp DN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) còn gặp khó khăn.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, PVN đã và đang nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, quản lý tốt hơn nữa.
Nhiệm vụ trọng tâm
6 tháng đầu năm 2017, PVN đã thoái vốn thành công toàn bộ vốn góp tại Công ty CP Bất động sản dầu khí - SSG (PV SSG) với giá trị thu về 24,192 tỷ đồng (giá trị đầu tư là 24 tỷ đồng) thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Về công tác CPH, PVN xác định nhiệm vụ trọng tâm là CPH các đơn vị thành viên. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định xác định giá trị Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) trực thuộc PVN để CPH. Hiện tại, phương án CPH của PV Oil, BSR đang được Bộ Công Thương thẩm định trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với PVN ngày 5/8.   Ảnh: Hoàng Anh

Dù đã có kết quả nhưng công tác CPH, thoái vốn tại PVN vẫn còn khá nhiều vấn đề chưa được xử lý. Điển hình là 5 dự án thua lỗ thuộc PVN bị Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phê bình do trì trệ trong xử lý. Trong cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức hồi đầu tháng 7, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã nghiêm túc triển khai, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chưa được triển khai hiệu quả. “Những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các dự án thua lỗ thuộc Tập đoàn là việc quyết toán hợp đồng EPC của các dự án, nhưng mỗi dự án lại có đặc thù riêng. Việc quyết toán liên quan đến đối tác nước ngoài cũng như bên ngoài PVN…” - ông Sơn thông tin.
Trong lĩnh vực CPH, đại diện của PVN cũng nhận định còn có nhiều khó khăn. Cụ thể, theo quy định tại Điều 25 Nghị định 59/2011/NĐ-CP, kết quả công bố giá trị DN và giá trị vốn Nhà nước là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện bán cổ phần lần đầu, đồng thời không có quy định về việc điều chỉnh lại giá trị sổ sách theo kết quả xác định giá trị DN để CPH. Thế nhưng, trong thực tế, việc DN phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả xác định lại giá trị DN ngay khi có công bố giá trị DN sẽ tạo ra sức ép lớn cho DN vì phải trích khấu hao ngay phần giá trị tài sản tăng thêm do đánh giá lại. Như trường hợp của BSR, việc điều chỉnh số liệu và trích khấu hao theo kết quả xác định giá trị DN để CPH đã làm giảm lợi nhuận sau thuế hàng năm của Công ty khoảng 350 tỷ đồng.
Quyết liệt thực hiện
Là Tập đoàn lớn nên nhiệm vụ CPH, thoái vốn tại PVN được đặc biệt chú ý. Tại buổi làm việc với PVN ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu PVN đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, quản lý tốt hơn nữa. Đồng thời có phương hướng tập trung một số việc quan trọng, nhất là xây dựng đội ngũ, khắc phục tồn tại, bất cập vừa qua để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho một tập đoàn chủ lực.
Với yêu cầu này, PVN đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong giai đoạn 2012 - 2015 và tiếp tục tái cơ cấu để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, PVN tập trung thực hiện CPH PV Power, BSR, PVOil theo quyết định và tiến độ đã được phê duyệt. PVN mới đây đã có báo cáo việc xử lý Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Nhà máy đóng tàu Dung Quất) làm cơ sở xây dựng phương án CPH, đa dạng hóa sở hữu DQS trong giai đoạn 2016 - 2020.
Cũng trong giai đoạn này, Công ty mẹ - PVN tiếp tục thực hiện thoái vốn đối với các khoản đầu tư chưa hoàn thành trong giai đoạn 2012 - 2015; phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai thực hiện. Trong công tác quản trị, PVN tập trung xử lý các tồn tại, yếu kém như giải quyết vấn đề sở hữu chéo giữa Công ty mẹ - PVN và các đơn vị thành viên, giữa các đơn vị thành viên với nhau; vấn đề công nợ chéo trong nội bộ; nâng cao chất lượng sinh lời của tài sản, xử lý các dự án đầu tư dở dang, tài sản không sinh lời hoặc không hiệu quả… nhằm đảm bảo sự phát triển của PVN và các đơn vị thành viên.
Riêng đối với 5 dự án kém hiệu quả, PVN hiện đã có báo cáo về phương án xử lý. Với Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, PVN đã có báo cáo xin Ban chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận khởi động lại theo phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất kinh doanh. Nếu phương án này không triển khai được thì cho phép PVN thực hiện theo phương án định giá để bán hoặc cho phá sản theo quy định. Hay với Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tính toán phương án khởi động vận hành sản xuất tối ưu để vận hành sản xuất ra sản phẩm từ 1/1/2018.
Những kết quả đạt được thời gian qua của PVN đã có đóng góp nhiều mặt cho đất nước, đặc biệt là khẳng định chủ quyền quốc gia và nộp ngân sách Nhà nước. Vừa qua, khủng hoảng giá dầu diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, Tập đoàn sụt giảm sản lượng, doanh số, hiệu quả sản xuất bị ảnh hưởng, cùng với việc quản lý nội bộ còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự phấn đấu của Tập đoàn đã cố gắng vươn lên, đạt một số kết quả khá quan trọng, nhất là một số chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 thể hiện quyết tâm cao. Điều đó cũng khẳng định mục tiêu của Chính phủ là xây dựng PVN phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong nhiều thập niên tới.
Với tinh thần đó, yêu cầu PVN đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, quản lý tốt hơn nữa. Có phương hướng tập trung một số việc quan trọng, nhất là xây dựng đội ngũ, khắc phục tồn tại, bất cập vừa qua để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho một tập đoàn chủ lực. PVN cần tăng cường đoàn kết, quyết tâm, có nhiều biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ, hiệu quả trên các mặt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc