Gỡ nút thắt cho y tế tuyến dưới

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để mô hình trạm y tế (TYT) theo nguyên lý y học gia đình hoạt động hiệu quả, nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ. Đây là chia sẻ của những người trong cuộc tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phát huy hiệu quả mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình" do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm. Ảnh: Ngọc Tú
Những “trái ngọt” đầu tiên
Thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã và đang tích cực triển khai, nhân rộng mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn TP. Qua triển khai, bước đầu mô hình đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giảm tải cho bệnh viện (BV) tuyến trên, khẳng định vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, sau hơn một năm triển khai đại trà, nhiều TYT khi có bác sĩ tuyến trên về tăng cường và triển khai mô hình hoạt động nguyên lý y học gia đình đã thu hút người dân sử dụng dịch vụ TYT. Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) tại trạm có hiệu quả, qua đó, nâng cao tỷ lệ người dân KCB ở tuyến dưới. “Trong 9 tháng vừa qua, đã có 1 triệu người dân thăm khám tại các TYT. Ngoài ra, các TYT cũng thực hiện tốt các chương trình y tế khác như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc bà mẹ trẻ em…” - ông Hưng cho hay.
Từ 4 TYT thí điểm mô hình nguyên lý y học gia đình trong năm 2018, năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt tối thiểu 45% số TYT trên địa bàn TP triển khai mô hình này. Trong quá trình triển khai, các quận, huyện đã tích cực tham gia, 100% quận huyện xây dựng kế hoạch, các TYT được giao đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng
Theo Trạm trưởng TYT xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn Trần Trọng Thắng, triển khai mô hình từ năm 2014, TYT xã Mai Đình được BV Lão khoa, BV Tim Hà Nội hỗ trợ. Nhờ triển khai tốt mô hình, đến nay, TYT xã tiếp trung bình từ 60 - 70 bệnh nhân/ngày; thậm chí có ngày, hơn 100 bệnh nhân. Tỷ lệ chuyển tuyến hiện nay chỉ từ 5 - 9%. Năng lực, trình độ của cán bộ y tế được cải thiện tăng lên rõ rệt.
Cũng từ khi triển khai TYT theo nguyên lý y học gia đình, TYT xã Tân Hội, huyện Đan Phượng luôn nhận được sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của huyện. “Đến nay, TYT xã có 140/249 loại thuốc theo quy định. Tỷ lệ lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn xã đạt 97%. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 91%. Hiện trạm đang quản lý 433 bệnh nhân tăng huyết áp và quản lý sức khỏe 124 bệnh nhân tiểu đường...” - Trạm trưởng TYT xã Tân Hội Trần Thị Mai Hương cho hay.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc, đến nay, TTYT huyện Đan Phượng đã xây dựng 10 TYT theo nguyên lý y học gia đình và phấn đấu xây dựng 16/16 TYT vào năm 2020. Nhờ triển khai mô hình tốt cùng với sự hỗ trợ của BV Châm cứu T.Ư, BV E nên các TYT được Nhân dân tin tưởng, hưởng ứng. “Tuy nhiên, các TYT còn gặp nhiều khó khăn bởi nhân lực y, bác sĩ còn thiếu, trong khi TYT có rất nhiều chương trình, hoạt động, không thể làm nhiều việc song song và lượng bệnh nhân ngày càng tăng. Một số TYT đã triển khai theo mô hình này nhưng lượng bệnh nhân chưa tăng như kỳ vọng. Thanh toán BHYT còn nhiều khó khăn khi các dịch vụ chuyên sâu chưa thể thanh toán bằng BHYT. Ngoài ra, các TYT còn gặp khó trong công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin...” - ông Phúc bày tỏ.
Người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trần Thảo
Để trạm y tế thành “cánh tay nối dài”
Phó Giám đốc TTYT huyện Sóc Sơn Hoàng Lưu Sa cho biết, năm 2019, TTYT huyện Sóc Sơn triển khai được 12 TYT theo nguyên lý y học gia đình và xây dựng thêm 1 trạm, vượt dự kiến trên 50%. Tuy nhiên, đơn vị luôn gặp khó khăn về nhân lực, trong công tác KCB BHYT vì theo quy định, đòi hỏi bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề. Mặt khác, dịch vụ y tế hiện nay mới được thanh toán 70% (chưa thể đạt 100%), trong khi nguồn kinh phí TYT chỉ có ít. Ngoài ra, công nghệ thông tin cũng là vấn đề khó khăn của các TYT hiện nay.
Muốn người dân hiểu rõ hơn về mô hình này, cũng như yên tâm khám chữa bệnh, trước tiên phải có các chiến dịch truyền thông để thu hút người bệnh. Đối với các TTYT, TYT không có đơn vị chuyên biệt làm truyền thông, TTYT huyện đang muốn thành lập một tổ chuyên biệt (học tập các BV tư nhân) để hỗ trợ khách hàng, người bệnh, quản lý sâu về bệnh mãn tính.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn Hoàng Lưu Sa
Để TYT xã trở thành "cánh tay nối dài" của BV tuyến quận/huyện trong KCB ban đầu, ông Hoàng Lưu Sa cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ nhân lực TYT, đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất để người dân yên tâm KCB. Đồng thời gia tăng nguồn nhân lực cho các cơ sở, đặc biệt cần ưu tiên chế độ đưa bác sĩ tuyến trên về tuyến cơ sở…
Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Duy Hưng cho hay, thời gian tới, Sở tiếp tục củng cố đào tạo cung cấp nguồn nhân lực, đồng thời, kiến nghị với Bộ Y tế về một số khúc mắc còn tồn tại trong quá trình thanh toán BHYT; đề xuất việc đảm bảo tài chính tại TYT. Đặc biệt, ngành y tế cũng sẽ báo cáo TP cho phép được đấu thầu rộng rãi đối với các đơn vị có đủ khả năng xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe và phần mềm quản lý nói chung với các TYT, phần mềm bệnh án điện tử với các BV.
Cũng theo ông Hưng, hiện không chỉ TYT trải thảm đỏ mời gọi bác sĩ nhưng rất khó tuyển, mà cả BV tuyến TP hay T.Ư cũng phải đối mặt với tình trạng này. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, ngành y tế tiếp tục đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ tại các TYT cơ sở. Mặt khác, tiếp tục cử bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, có các phương án để khi tuyến trên “rút quân”, tuyến dưới “làm ngon”, khi đó mới nâng cao chất lượng KCB, thu hút bệnh nhân.
Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông Lê Hoàng Tú cho rằng, để người dân tin tưởng vào chất lượng y tế ở tuyến dưới, các TYT xã cần xây dựng thương hiệu cho mình, bằng cách nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn. Đặc biệt, để mô hình hoạt động hiệu quả hơn, rất cần cơ chế chính sách, đãi ngộ phù hợp để bác sĩ tuyến dưới yên tâm công tác.
Là BV tuyến trên, BV Châm cứu T.Ư đã tích cực hỗ trợ tuyến dưới của Hà Nội triển khai mô hình theo nguyên lý y học gia đình. Nhờ đó, không chỉ lượng bệnh nhân đến TYT ngày càng tăng mà đó còn là sự tin tưởng của người dân vào y tế tuyến dưới được tăng lên, giảm tải cho BV tuyến trên. Khi giảm tải thành công, các bác sĩ tuyến T.Ư sẽ có thời gian nghiên cứu chuyên môn, kỹ thuật, từ những thành quả tự nghiên cứu đó sẽ được đưa về áp dụng tại cơ sở. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là vấn đề đáng phải suy ngẫm. Nhiều BV tuyến trên băn khoăn, khi nguồn nhân lực bác sĩ tuyến trên rút đi, liệu các bác sĩ tuyến cơ sở có đảm bảo được chuyên môn, KCB tốt như khi phối hợp với các BV tuyến trên không?
Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Châm cứu T.Ư Lê Thanh Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần