Gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam ra sao?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án cao tốc Bắc - Nam đang gặp nhiều vướng mắc đòi hỏi các tỉnh có dự án đi qua cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ.

Công tác GPMB quyết định rất nhiều đến tiến độ dự án giao thông. (Ảnh: Hòa Thắng)
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa qua đã được Chính phủ thống nhất chuyển hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Như vậy, vấn đề liên quan đến huy động vốn sẽ tạm thời được gác lại khi ngân sách Nhà nước sẽ trở thành nguồn vốn chủ đạo cho dự án này.
Nguy cơ về đích muộn
Tuy nhiên, một vấn đề khác lại phát sinh, đó là tiến độ GPMB phục vụ dự án đang tiến hành quá chậm, điều này khiến dự án có nguy cơ không thể về đích đúng kế hoạch.
Trong Công điện số 442 về việc giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vừa ban hành, Thủ tướng đã chỉ ra một loạt những vấn đề tồn tại trong công tác GPMB tại các địa phương.
Công điện nêu rõ, hiện tiến độ GPMB của các dự án chậm so với tiến độ yêu cầu trong khi theo kế hoạch thì các tỉnh nơi có dự án đi qua sẽ cơ bản bàn giao phần đất nông nghiệp trong năm 2019, hoàn thành GPMB vào quý II/2020.
Với tình hình trên, sẽ rất khó để hoàn thành công tác GPMB như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý II/2020 nếu như các địa phương, các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật không tập trung quyết liệt thực hiện.
Từ thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua phải xác định nhiệm vụ GPMB phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, một trong số ít dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tiến độ tương đối tốt (Ảnh: Duy Lợi)
Các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này; cần tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng GPMB địa phương khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng GPMB còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công dự án trong quý II/2020.
Mối lo từ vấn đề kinh phí GPMB bị “đội” cao
Đối với kinh phí GPMB, Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát chuẩn xác thực tế để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phần kinh phí tăng thêm, đáp ứng kinh phí phục vụ cho công tác GPMB. Đồng thời phải chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền thì địa phương phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý).
Về vấn đề kinh phí GPMB, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cũng cần chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát kinh phí GPMB thực tế tại các địa phương, trường hợp kinh phí này tăng vượt tổng mức đầu tư của tiểu dự án GPMB (bao gồm cả chi phí dự phòng) trong tổng mức đầu tư được duyệt, Bộ GTVT khẩn trương xem xét xử lý, đảm bảo đủ kinh phí, kịp thời phục vụ công tác GPMB.
Các chuyên gia khẳng định, chỉ đạo của Thủ tướng dành cho các địa phương và Bộ GTVT là rất kịp thời và cần thiết để đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cần phải thấy rằng, liên quan đến công tác GPMB, không chỉ câu chuyến tiến độ bị chậm mà kinh phí GPMB bị đội lên rất nhiều cũng đang là điều được giới chuyên gia nói đến trong thời gian qua. Các chuyên gia cảnh báo, nếu tiến độ GPMB tiếp tục bị kéo dài thì khả năng kinh phí GMPB sẽ còn bị đội lên tiếp chứ không dừng lại như hiện nay.
Bộ GTVT cần sát sao các địa phương hơn 
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông cho rằng, với những vấn đề liên quan đến công tác GPMB như hiện nay, nhiều khả năng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khó đảm bảo được tiến độ như kế hoạch ban đầu. Đây là điều khá đáng tiếc bởi vướng mắc của dự án lại không phải vướng mắc về vốn hay cơ chế chính sách (vì đã được chuyển sang đầu tư công) mà lại lại công tác GPMB.
“Trong công tác GPMB, vai trò của các địa phương là vô cùng quan trọng. Nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt, khẩn trương thì rất khó để đẩy nhanh được tiến độ GPMB” - TS Nguyễn Hữu Đức nói và cho biết thêm, tình trạng chậm trễ trong công tác GPMB xưa nay vẫn khá phổ biến tại các dự án đường giao thông ở nước ta. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án luôn về đích chậm so với kế hoạch ban đầu.
Các địa phương có vai trò quan trọng trong công tác GPMB. (Ảnh: Duy Lợi)
Theo chuyên gia giao thông, để các địa phương tham gia tích cực và có hiệu quả hơn vào công tác GPMB, cần có những quy định cụ thể gắn trách nhiệm của họ vào. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần thường xuyên bám sát tình hình tại các địa phương, từ đó nắm bắt những khó khăn, vướng mắc cụ thể của họ để giúp họ tháo gỡ kịp thời.
“Mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng. Nhất là công tác GPMB liên quan nhiều đến khung giá đất và chính sách hỗ trợ đền bù, tái định cư của từng địa phương. Mà những điều này mỗi tỉnh đều có quy định riêng không giống nhau. Nắm bắt kịp thời để cùng địa phương tháo gỡ cũng là cách hỗ trợ họ thúc đẩy tiến độ GPMB cho dự án” - TS Đức phân tích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần