Gỡ nút thắt để dệt may bứt phá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, làm thế nào để các DN Việt vượt qua rào cản và tận dụng cơ hội để bứt phá từ CPTPP vẫn đang là bài toán khó.
Nhiều điểm nghẽn
Chia sẻ về những khó khăn mà ngành dệt may đang gặp phải khi tham gia sân chơi CPTPP, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định, CPTPP là "xương sống" của ngành dệt may Việt Nam, nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng. Ông Giang cho rằng, quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Vai trò của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT là rất quan trọng vì nếu không thống nhất cán cân trong quy hoạch ngành thì hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. Bởi những nước thành viên như Singapore, Malaysia không phải là những nước mạnh về ngành dệt may.
 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng
Tuy phát triển nhanh trong những năm qua nhưng dệt may Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu tới 99% bông. Xơ sợi sản xuất được 2,2 triệu tấn, song nhập khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn. Về vải, Việt Nam phải nhập đến trên 80%, chủ yếu không phải từ các nước CPTPP. “Nếu mua vải trong nước phải mất thêm 10% VAT, trong khi nhập khẩu thì lại không mất. Giá của ngành dệt may Việt Nam không tăng giá 5 năm nay nhưng chi phí về y tế, xuất khẩu đều tăng. Giờ lao động càng ngày bị thắt chặt. Đây là một bài toán rất khó cho DN” – ông Giang cho hay.
Đáng nói, trình độ lao động của ngành không cao, khoảng 76% là lao động phổ thông, lực lượng đào tạo bài bản (sơ cấp lên trung cấp chuyên nghiệp) gần 20%, lực lượng cao đẳng - đại học trên 6,8%. Bên cạnh đó, các nước đối thủ cạnh tranh cũng tập trung hỗ trợ ngành dệt may trong nước như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh... Một số nước dệt may mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar được hưởng thuế suất 0% từ EU. Nếu Việt Nam xuất khẩu sang các nước quá nhanh, họ có thể áp dụng cơ chế phòng vệ thương mại để kiểm soát tình trạng này. Hiện nay, các thủ tục hành chính, hải quan, kiểm tra chuyên ngành chưa thực sự thông thoáng cũng được coi là rào cản với DN.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Theo Tổng cục Thống kê, các phương thức may và xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang có tỷ lệ CMT (65%); FOB (25%); ODM (9%); OBM (1%). Số liệu này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam gần như chỉ tham gia vào khâu cắt may sản phẩm, được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất. Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, xuất khẩu tuy có tạo ra giá trị gia tăng cao nhưng chỉ thực sự cao khi tự thiết kế, sản xuất và bán, trong khi các DN Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gia công. Do đó, ở sân chơi CPTPP, các DN Việt phải gia tăng tỷ lệ FOB trong xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho hay, hiện nay tại Việt Nam, các DN dệt may nước ngoài đang chiếm 70%, do đó để tạo điều kiện cho các DN dệt may nội phát triển, cần thiết phải có quy hoạch cụ thể, cần quỹ đất, nhà máy công suất lớn tại các vùng miền. Bên cạnh đó, cần thống nhất từ T.Ư tới địa phương các thủ tục pháp lý cho đầu tư, thúc đẩy đầu tư. Ban hành chính sách cụ thể, thống nhất xử lý nước thải, chất thải rắn...
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu. Vì vậy, để biến các cơ hội thành những đơn hàng cụ thể và duy trì quan hệ đối tác lâu dài, bên cạnh việc nhạy bén, chủ động tiếp cận các thị trường mới, DN Việt cần đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo quy trình giám sát chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng lưu ý, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những đầu tư lớn từ tư nhân.

"Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035 - 2040, trong đó đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương là trọng tâm trong đầu tư phát triển công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may, da giày. Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định, các cơ quan quản lý, địa phương cần nghiêm túc thực hiện, có như vậy ngành dệt may mới phát triển bền vững." - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang