Gỡ nút thắt trách nhiệm

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép... còn diễn ra tràn lan, phổ biến.

Hàng loạt vấn đề bất cập trong quản lý trật tự xây dựng đã được chỉ ra khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được Quốc hội thảo luận, trong đó vấn đề trách nhiệm trong thực thi các quy định được nhấn mạnh.
Quản lý trật tự xây dựng luôn là một vấn “nóng” từ đời sống xã hội vào đến nghị trường Quốc hội. Trong thực tiễn, tình trạng công trình vi phạm trật tự đô thị, xây dựng không phép, sai giấy phép, sai thiết kết, hoặc vượt số tầng cho phép… liên tục được nhắc đến. Không ít cán bộ cũng đã bị kỷ luật bởi để xảy ra hay tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.
Như có đại biểu đã chỉ ra, chính việc thủ tục hành chính quá nhiều cũng nảy sinh tình trạng lợi dụng, lạm dụng, tùy tiện nhũng nhiễu vì mục đích tư lợi trong công tác cấp phép xây dựng, thanh tra, kiểm tra xây dựng. Nên mới có chuyện liên tục tái diễn tình trạng nhiều dự án từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoàn thành thủ tục có thể kéo dài hàng năm trời khiến nhiều DN lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Khi Dự Luật được đưa ra, nhiều ý kiến đánh giá rất cao về đơn giản hóa những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và hoàn thiện thêm các khuôn khổ pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Qua đó, sẽ giúp tháo gỡ được một nút thắt rất lớn trong thủ tục, đỡ chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết này.
Tuy nhiên, điều được đặc biệt đề cập hơn cả là quy định về xây dựng hiện nay rất chặt nhưng việc vi phạm vẫn tràn lan, phổ biến mà không được xử lý, thậm chí nhiều công trình còn khó xử lý, không biết quy trách nhiệm cho ai. Do đó, cùng với kiến nghị đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, nhiều ý kiến ĐB cũng đề xuất quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Như có ý kiến ĐB đã nhấn mạnh, “việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là cần thiết nhưng cần thiết hơn là sửa đổi, bổ sung chính đạo đức công vụ của người tổ chức thực hiện”.
Bởi như các ĐB đã chỉ ra thực tiễn, một nhà dân trong ngõ ngách vừa sửa một chút đã có cán bộ xuất hiện, nhưng có những công trình xây dựng sai phạm lừng lững lại nói không ai biết; hoặc nhiều dự án, công trình khi phát hiện vi phạm nhưng xử lý lại chậm trễ, không triệt để.
Nhiều vụ việc sai phạm vừa qua đã ít nhiều phơi bày những yếu kém trong quản lý. Nguyên nhân bởi tổ chức thực hiện luật không nghiêm dẫn đến người dân, DN "nhờn luật". Người đứng đầu ngành xây dựng cũng xác nhận những bức xúc tồn tại thực tế các ĐB nêu là xác đáng, song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế và với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.
Được biết, từ ngày 1/1/2018 đã không còn việc “phạt cho tồn tại”, tất cả các công trình vi phạm đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm, tuy nhiên để tránh tình trạng “sự đã rồi” hoặc phải “cắt ngọn công trình”, các ĐB cho rằng, việc sửa đổi luật lần này phải quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân trong việc kiểm soát hoạt động xây dựng. Khi đó tổ chức, cá nhân buông lỏng phải bị xử lý, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý của mình. Đồng thời, lấp những kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng giữa UBND địa phương với Thanh tra xây dựng, tránh những khoảng trống hoặc giẫm chân nhau, dẫn đến tình trạng lập lờ, chồng chéo. Quy định rõ sẽ có cơ sở để xử lý các tổ chức, cá nhân khi có sai phạm xây dựng xảy ra, tăng kỷ cương, kỷ luật thực thi, tổ chức thực hiện pháp luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần