Gỡ “nút thắt” trong thu hút nhân tài từ luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế nào là “người có tài năng”, có chính sách như thế nào để tuyển dụng được nhân tài thực sự, giữ chân được công chức, viên chức ở lại làm việc... là một trong những nội dung được quan tâm tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Cần khung tiêu chí để xác định người tài
Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã có những quy định về chính sách đối với người có tài năng và một số nghị định của Chính phủ cũng có quy định chi tiết về vấn đề này. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã triển khai thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân tài vẫn gặp khó. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là cơ chế chính sách chưa đủ sức hút đối với người tài.
Trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức lần này, đã sửa đổi, bổ sung quy định chính sách đối với người có tài năng; giao Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách cụ thể.
 Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy định phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Điều này được dư luận đánh giá sẽ tránh được tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu, dẫn đến việc xét tuyển công chức một cách tùy tiện; bổ sung một số nguyên tắc chung trong việc xác định cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng....
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, khi giải trình, tiếp thu nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng khái niệm theo hướng “người có tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực chuyên môn đặc biệt, có đóng góp vượt trội cho địa phương, ngành, lĩnh vực cụ thể mà ít người đạt được”.
Đồng thời chỉnh lý quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đối với việc thu hút người có tài năng nói chung được ưu tiên tuyển dụng thông qua phương thức tuyển dụng quy định tại khoản 5 Điều 1 của Dự Luật.
Chính sách cụ thể hơn
Mặc dù đã có sự chỉnh lý, nhưng như ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này vẫn chưa cụ thể, đặc biệt về chính sách. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, phần chính sách đối với người tài năng trong hoạt động công vụ là người có phẩm chất đạo đức, Nhà nước có chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng... đều rất chung chung. Và mặc dù chúng ta có thể nhận ra đó là một người tài nhưng quy định như trong Dự Luật sẽ không thể thu hút được.
Trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng, một Phó Giáo sư trẻ dưới 35 tuổi ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, có nhiều tiềm năng phát triển nhưng ở DN Vinfast mời về trả lương 200 triệu đồng/tháng, có chính sách rõ ràng và người ta thu hút được nhân tài.
Trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong việc thu hút, tuyển chọn người tài, bố trí sử dụng người tài, hiện vẫn chưa được luật hóa; quy định liên quan từ viên chức lên công chức... cũng là những nội dung được đặt ra trong quá trình hoàn thiện Dự Luật.
Bởi có thể nảy sinh thực tiễn, phát hiện ra một hiệu trưởng tại trường đại học và muốn đưa vào cơ cấu lãnh đạo một bộ để làm việc lại phải thi tuyển công chức phức tạp trong khi người tài có khí chất và rất ngại. Do đó cần phải “mềm dẻo” chứ không nên ràng buộc với quá nhiều quy định.