Gỡ rào cản cho kinh tế tư nhân

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/7, tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM) tổ chức Diễn đàn: “Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW: Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân".

Luồng gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp
Nghị quyết số 10-NQ/TW được Ban chấp hành Trung ương ban hành ngày 3/6/2017, với những định hướng rất rõ ràng là: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
 
Tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, sự ra đời của Nghị quyết 10-NQ/TW đã trở thành động lực vô cùng quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Sau 1 năm ra đời, Nghị quyết đã được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, xuyên suốt từ các Ban ngành Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt hơn, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) một lần nữa khẳng định và ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân "thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" với mục tiêu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp". Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt khoảng 50% vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và khoảng 60 - 65% năm 2030.
 Toàn cảnh Diễn đàn.
Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4. Nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Những hạn chế cần khắc phục
Tuy đã có những tín hiệu tích cực nhưng việc triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW cũng còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Nhiều quy định pháp luật về kinh tế tư nhân chưa được thực hiện nghiêm, môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, tiềm ẩn rủi ro và thiếu tính minh bạch. Các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp còn nhiều.
 

Trong khi đó, chất lượng hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân cũng còn hạn chế. Xét về số lượng thì khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm ưu thế so với các khu vực khác, song hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này còn chưa được cải thiện đáng kể. Theo khảo sát của VCCI, gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi. Mặt khác, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, các chuyên gia cho rằng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, cần có vai trò dẫn dắt thị trường của Nhà nước để tạo lập môi trường bình đẳng, xã hội hoá dịch vụ công và giảm chi phí đầu tư.