Gỡ rào cản để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh những cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại, DN phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật, nguồn vốn... Để vượt qua những khó khăn này đòi hỏi DN cần nắm rõ các quy định EVFTA. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị “Hỗ trợ DN vừa và nhỏ tận dụng cơ hội thực thi hiệu quả EVFTA” tổ chức cuối tuần qua.

 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Bình An (Cần Thơ). Ảnh: Hùng Việt
Doanh nghiệp thiếu thông tin, thiếu vốn
Thiếu vốn và thông tin là những khó khăn mà DN Việt Nam phải đối mặt trong thực thi EVFTA, nhất là trong việc tận dụng chuyển hóa các cơ hội thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân, hiện nay, DN Việt thiếu thông tin thị trường EU cũng như các quy định của EU về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. “Đa phần DN Việt Nam đều quen với cách tiếp cận thông tin qua các trang website của Việt Nam giới thiệu thị trường EU. Mà các trang web này nhiều khi không được cập nhật thường xuyên, dẫn đến lượng thông tin có hạn. Điều này khiến DN không nắm được các vấn đề thị trường, nhu cầu về hàng hóa cũng như các quy định về hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU.
Không chỉ có vậy, mặc dù Việt Nam có gần 1 triệu DN nhưng số lượng DN vừa và nhỏ có vốn dưới 20 tỷ đồng chiếm đến trên 97%, sẽ phải chấp nhận cạnh tranh với DN EU nguồn vốn lớn đầu tư vào Việt Nam theo các cam kết EVFTA. Thị trường EU với 27 quốc gia, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD sẽ là thị trường khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Thách thức lớn nhất mà DN Việt phải đối mặt là các rào cản kỹ thuật như: An toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa... Muốn vào EU đòi hỏi DN phải đầu tư rất lớn, trong khi nguồn vốn hạn hẹp. “Tuy vậy, sức ép cũng là cơ hội để DN Việt Nam, nhất là cộng đồng DN nhỏ và vừa đổi mới, nâng cao công tác quản trị để vươn lên” - ông Thân nói.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện EVFTA, các DN kiến nghị Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách... để Quốc hội xem xét sửa đổi, thông qua một số đạo luật như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Bảo vệ môi trường... phù hợp với các quy định của EVFTA. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định EVFTA để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các DN, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Trước những kiến nghị của các DN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hành động của Chính phủ để triển khai EVFTA. “Nhằm hỗ trợ cho các DN trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết về việc thực thi EVFTA, bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam mở các khóa đào tạo về kỹ năng xuất khẩu hàng hóa cho các DN thành viên” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cũng cho rằng: DN cần chủ động tìm hiểu EVFTA về cam kết liên quan tới thuế quan, quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng quy định; chuyển hướng nhập khẩu từ các nước thành viên EVFTA. Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của EVFTA, qua đó tận dụng nguồn vốn, việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Để có sự chuẩn bị thực thi EVFTA, TP Hà Nội đã xây dựng “Kế hoạch Thực hiện EVFTA TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh DN nhỏ và vừa. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo cho các DN.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng

TP Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng các hoạt động xuất khẩu theo hướng khai thác về chiều sâu đối với các thị trường EU; cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao. Đồng thời phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của DN. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần