Gỡ rào cản giải ngân vốn đầu tư công chậm

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2017 so với kế hoạch được giao chỉ đạt gần 84%. Và theo số liệu mới nhất, 2 tháng đầu năm 2018, chỉ đạt gần 7.500 tỷ đồng, bằng 1,95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Yêu cầu của Chính phủ, nguồn vốn này cần được giải ngân nhanh, sử dụng hiệu quả.

Thủ tục rườm rà, chậm từ A đến Z
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ. Trước tiên là theo thói quen, đầu năm giải ngân chậm, cuối năm mới dồn lực triển khai, dẫn đến năm nào cũng phải chuyển nguồn vốn đầu tư công sang năm sau. “Tại Điều 76, Luật Đầu tư công cho phép thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau. Việc quy định cho phép thời gian giải ngân 2 năm phần nào tạo tâm lý ỷ lại cho các chủ đầu tư, nhà thầu”- ông Phương cho biết.
 Vốn đầu tư công giải ngân chậm một phần do các dự án chậm triển khai.  Ảnh: Công Hùng
Trong khi đó, về phía các địa phương phản ánh, thủ tục giao vốn còn rất rườm rà. Thậm chí sau nửa năm, vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao cho địa phương nên không thể giải ngân. Tỉnh Bắc Kạn hết năm 2017, tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 68% kế hoạch. Nguyên nhân được trình bày là do một số dự án không đủ điều kiện thanh toán theo Luật Đầu tư công mới. Cùng với đó, một số nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia và Trái phiếu Chính phủ do T.Ư giao kế hoạch muộn.

Các địa phương cũng có tình trạng tương tự. Đơn cử tại TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chậm do điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán để chuẩn xác gói thầu; thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới chậm, nhất là khâu thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán. Tại Hà Nội do công tác GPMB, đặc biệt là đối với dự án lớn sử dụng diện tích đất lớn...

Nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân

Chậm giải ngân chính là một điểm nghẽn của tăng trưởng kinh tế, đó là lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng, thứ hai là tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra, chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, theo GS.TS Đặng Đình Đào, với những kinh nghiệm của giải ngân vốn đầu tư công năm 2017, từ năm 2018, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần rà soát lại các dự án, từ hiệu quả đầu tư đến tiến độ thực hiện để giao vốn và triển khai thực hiện. Việc rà soát từng dự án cũng là để tìm ra vướng mắc, đánh giá từng dự án của từng địa phương, từng ngành để rút kinh nghiệm, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không hiệu quả.

Mới đây, Bộ KH&ĐT đã đề xuất việc bãi bỏ quy định về kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư sang năm sau. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP theo hướng tăng sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, giảm các thủ tục báo cáo, rà soát...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) TS Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, đối với các nhà thầu yếu kém năng lực, chậm trễ trong việc triển khai cần phải có chế tài xử nghiêm, sẵn sàng loại bỏ và thay thế bằng nhà thầu có năng lực hơn. Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Đào Thái Phúc cho biết, thời điểm này Kho bạc TP đang phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án rà soát các vướng mắc khó khăn. Những dự án chậm giải ngân, Kho bạc TP sẽ kiểm tra cụ thể và kiến nghị các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội để điều chỉnh vốn xây dựng cơ bản sang dự án khác nhằm giảm bớt những dự án, công trình bị chậm tiến độ.

Đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt

Bộ KH&ĐT đang hoàn tất hồ sơ Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công để trình Chính phủ cho ý kiến. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục phê duyệt. Ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ động chuyển kế hoạch vốn hoặc đề nghị điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án trong tổng kế hoạch vốn được giao phù hợp với tiến độ thực hiện dự án...