Gỡ rào cản xuất nhập khẩu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song theo các chuyên gia, thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc tháo gỡ các rào cản về quy định và thủ tục hành chính (TTHC) để tạo điều kiện cho DN xuất nhập khẩu phát triển.

 Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hùng
Chuyển biến tích cực
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung, một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của Nghị quyết 19 của Chính phủ là vấn đề thủ tục hải quan, cải cách toàn diện các quy định quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm cải thiện chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam. Với quyết tâm cao của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ của các hiệp hội ngành hàng, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, năm 2017 chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế), chỉ số môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ 82 lên 68/190 nền kinh tế), chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc (đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế). Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được cho tới nay.

Chuyên gia Dự án GIG Phạm Thanh Bình phân tích, qua thực hiện Nghị quyết 19, nhiều vấn đề được giao cho các bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực. Đơn cử như mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ với hàng nhập khẩu cơ bản đạt được, trừ thời gian thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật. Bên cạnh đó, hệ thống Hải quan điện tử đã cơ bản hoàn thành và vận hành hiệu quả, được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Thủ tục xét miễn thuế đã được bãi bỏ, thủ tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan đã được điện tử hóa.

Cắt giảm các thủ tục không cần thiết

Nhiều chuyên gia nhận định, thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Cụ thể, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Đáng nói, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà DN đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, thậm chí vừa thực hiện thủ tục điện tử vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.

Đánh giá việc cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các DN cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trên nguyên tắc đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN với lĩnh vực ATTP, vẫn còn một số quy định cần được điều chỉnh.
Cần xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hàng hóa. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống một cửa quốc gia, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý, đơn vị kiểm tra chuyên ngành và các đơn vị liên quan.

Chuyên gia Dự án GIG Phạm Thanh Bình
Ông Vũ Quốc Tuấn - Đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội DN châu Âu (Eurocham) nêu vấn đề, theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật thì các sản phẩm chế biến từ sữa thuộc diện phải kiểm dịch động vật. Quy định này không cần thiết bởi các sản phẩm sữa đã qua chế biến sẽ không còn khả năng gây ra dịch bệnh. Do đó, DN kiến nghị, các cơ quan quản lý chỉ kiểm dịch động vật đối với sản phẩm sữa tươi hoặc sơ chế để rút ngắn thời gian thông quan cho DN.

Như vậy, để đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, cần tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá đúng mức độ tuân thủ pháp luật của các DN, tổ chức.