Gỡ vướng nhà ở xã hội: Cơ hội cho người thu nhập thấp mua nhà

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn một thập kỷ triển khai chương trình nhà ở xã hội, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, nhiều khu nhà ở tiện nghi được đưa vào sử dụng góp phần cải thiện chỗ ở cho người có thu nhập thấp và tạo nên diện mạo đô thị văn minh, hiện đại. Với việc Chính phủ quyết định mở gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà ở xã hội, đây được xem là cơ hội tốt để người có thu nhập thấp cải thiện nơi ở.

Nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ
Có thể nói, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình nhà ở xã hội. Trong đó, CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), dự án nhà ở xã hội thí điểm, mở bán đầu tiên của TP, vào tháng 11/2010. Đây cũng là dự án nhà ở xã hội đầu tiên, bàn giao sớm nhất trên cả nước.
Đặc biệt, trong giai đoạn thị trường bất động sản còn sốt nóng, dự án mở bán đã thu hút được sự quan tâm của những người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. 328 căn hộ của dự án này đã sớm có chủ ngay trong lần bốc thăm đầu tiên và người mua nhà được dọn về nhà mới từ tháng 4/2011.
Tòa nhà CT4 thuộc Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City triển khai xây dựng tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh).

Đến thời điểm này, nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ xây dựng; đồng thời, đang trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, như dự án Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (xã Kim Chung, huyện Đông Anh)…
Là một trong những doanh nghiệp tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội, Tổng Công ty Viglacera - CTCP đã tham gia ngay từ những dự án đầu tiên: Dự án chung cư thu nhập thấp Đặng Xá (huyện Gia Lâm), chung cư thu nhập thấp Đại Mỗ, chung cư thu nhập thấp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm)… và đến nay là Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (huyện Đông Anh).
Đại diện Tổng Công ty Viglacera - CTCP cho biết, do được ưu đãi tiền thuế đất nên giá bán nhà ở xã hội có mức thấp hơn so với nhà ở thương mại cùng khu vực. Cụ thể, Dự án nhà ở xã hội Thăng Long Green City (huyện Đông Anh) đang triển khai xây dựng hơn 1.500 căn hộ. Ngày 24/5 tới đây, doanh nghiệp sẽ khai trương căn hộ mẫu và mở bán giai đoạn 1 với 484 căn hộ của tòa CT4 với giá hơn 13 triệu đồng/m2, dự kiến các căn hộ này sẽ được bàn giao trong quý 4/2020.
“Mặc dù lợi nhuận nhà ở xã hội không bằng được với việc đầu tư, phát triển nhà ở thương mại, tuy nhiên, các chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội với trách nhiệm xã hội, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Trước tình hình khó khăn của dịch Covid -19 thời gian qua, bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng đảm bảo việc triển khai xây dựng đúng tiến độ” - đại diện Tổng Công ty Viglacera - CTCP chia sẻ.
Khan hiếm nguồn cung
Thực tế cho thấy, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay rất hạn chế. Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, hiện đang có sự mất cân đối về các loại hình nhà ở, bởi trong khi các dự án nhà ở trung và cao cấp dư thừa, thì nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ lại thiếu hụt.
Để giải bài toán về nguồn cung nhà ở xã hội, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng tham mưu UBND TP giải quyết, cho phép chuyển đổi theo quy định các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, để thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, đôn đốc, hoàn thành công tác lập quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung...
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Cùng đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.
Việc rút gọn trình tự thủ tục vay vốn nhà ở xã hội là tín hiệu vui với nhiều người dân thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn từ nguồn tín dụng của Chính phủ, và giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của những người thu nhập thấp ngày càng đến gần.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị với tổng diện tích 43.783ha thì chỉ có 1.040 dự án dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với tổng diện tích đất đã bố trí phát triển nhà ở xã hội 3.359ha.
Con số này mới chỉ đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020. Còn lại 1.216 dự án chưa thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất cho nhà ở xã hội hoặc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp tiền.