Gỡ vướng thủ tục tu bổ di tích

Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều di sản xuống cấp, kêu gọi được kinh phí nhưng vẫn vướng về hồ sơ tu bổ.

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội mới diễn ra, rất nhiều địa phương phản ánh vẫn loay hoay thủ tục đăng ký, lập hồ sơ xin tu bổ, tôn tạo cho các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều di tích “kêu cứu”

Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích, với nhiều loại hình như đình, đền, chùa, miếu, am, phủ, quán, hội quán, nhà thời họ, thành quách, phố cổ, làng nghề… Trong đó, có một di sản văn hóa thế giới, 12 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp TP, 3.487 di tích chưa xếp hạng. Theo đánh giá của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/8 tổng số di sản của cả nước, chiếm 1/3 tổng số các di sản đã được xếp hạng di sản quốc gia… Nhưng điều này đồng nghĩa với việc Hà Nội bộn bề những công việc giữ gìn, tu bổ và phát huy giá trị của di tích.
 Đình Thần Quy (Phú Xuyên) phải phủ bạt chống dột, chống xuống cấp. Ảnh: Hoàng Vũ
Hàng tuần, hàng tháng, trên các phương tiện truyền thông đều có những bài viết “kêu cứu” của các di sản văn hóa Hà Nội như Đình Thần Quy (Phú Xuyên), Lăng mộ quận công Phạm Mẫn Trực (Hoài Đức)… Đó là chưa kể, các di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm… đều có những công trình, hạng mục cần tu bổ cấp thiết. Theo thống kê của Sở VH&TT Hà Nội, hiện nay Thủ đô có hơn 200 di tích xuống cấp cần được tu bổ, tôn tạo. Tính đến hết quý I/2018, có tổng số 23 di tích đang triển khai lập hồ sơ chống xuống cấp, 17 di tích trình chủ trương lập dự án (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật), 6 di tích trình chủ trương lập báo cáo tu sửa cấp thiết, số lượng di tích trình thẩm định dự án hoặc thiết kế bản vẽ thi công là 20 di tích. Bên cạnh đó, số di tích lập quy hoạch tổng thể là 3 di tích: Chùa Thầy, chùa Tây Phương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Số tiền cần đầu tư tu bổ tôn tạo khoảng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đảo ngói chống dột cũng phải xin phép

Di tích chùa Một Cột từng nóng lên câu chuyện sư trụ trì cho tượng thờ đội nón chống dột trong những ngày mưa. Vì mái chùa bị xệ, ngói vỡ nên bị dột. Tuy nhiên, muốn đảo ngói di sản đã xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thì phải trải qua đủ bước: Hội thảo xin ý kiến, lập hồ sơ báo cáo Sở VH&TT, TP, Bộ VHTT&DL… Câu chuyện vướng mắc về thủ tục tu bổ di tích vẫn còn đó. Năm 2017, Giếng Thiên Quang (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) bị sạt lở nghiêm trọng, cho dù được đưa vào danh mục xin tu bổ cấp thiết nhưng di sản cũng phải chờ quá nửa năm mới có thể hoàn thành chống sập.

Bên cạnh các di sản đặc biệt, ở các địa phương thuộc huyện ngoại thành còn lúng túng với các thủ tục hành chính khi làm hồ sơ xin tu bổ vì chưa có hướng dẫn. Đại diện Phòng VHTT thị xã Sơn Tây cho rằng, hiện nay ngay cả việc thẩm định hồ sơ tu bổ di tích không thống nhất, lúc được giao cho Phòng Quản lý di sản (Sở VH&TT Hà Nội), lúc lại là Ban Quản lý Di tích danh thắng. Chưa kể, với quy định hiện nay, việc xin phép tu bổ, tôn tạo di tích phải mất vài tháng để thực hiện đủ các bước như xin chủ trương, thành lập tổ tu bổ, lập hồ sơ gửi về Sở VH&TT xin ý kiến rồi địa phương mới có thể làm được. Có khi xin chủ trương từ đầu năm đến khi được phép thực hiện thì lại vào mùa mưa bão. Nhiều địa phương có di tích xuống cấp nghiêm trọng lại mắc về thủ tục ứng vốn…

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, các địa phương nên linh động, nếu chỉ đảo một viên ngói thì có thể chủ động chống dột, không nên câu nệ các thủ tục xin ý kiến. Ngoài ra, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động - cho biết, giao cho Ban Quản lý Di tích danh thắng sớm hoàn thiện và ban hành thủ tục hành chính về tu bổ tôn tạo di tích để giảm những thủ tục rườm rà khi đăng ký cho các địa phương, đơn vị; báo cáo lãnh đạo Sở trước ngày 15/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần