Gỡ vướng trong đăng ký kinh doanh: Còn nhiều việc phải làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi báo có bài: “Khai sinh doanh nghiệp… vẫn khổ”, Sở KH&ĐT Hà Nội đã có thông tin phản hồi liên quan đến hoạt động đăng ký kinh doanh (ĐKKD) trên địa bàn.

Theo nội dung và thực tế phóng viên báo Kinh tế & Đô thị mục sở thị, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hoạt động, nhưng để làm tốt công tác này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tổng lượt hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết của 3 phòng ĐKKD giai đoạn này là 78.324 lượt hồ sơ, bình quân 568 hồ sơ/ngày làm việc.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới DN (từ 5 ngày xuống 3 ngày) trước 6 tháng theo quy định của Luật DN năm 2014. Kể từ ngày 1/1/2015, Hà Nội đã áp dụng giải quyết cấp Giấy chứng nhận ĐKKD và các thủ tục liên quan đến DN trong vòng 3 ngày (trước 6 tháng so với thời gian quy định của Luật DN mới).

Trong hơn 1 năm triển khai, một số quy định phải chứng minh hồ sơ trước đây, đặc biệt là đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được hủy bỏ, tạo sự thông thoáng giúp cho các DN khi thực hiện về thủ tục hành chính (TTHC). Phòng ĐKKD cũng đã thực hiện rà soát, chỉnh sửa lại quy trình giải quyết đối với thủ tục thành lập DN, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nhân lực cho các bộ phận…; xây dựng, cải thiện quy chế phối hợp giữa Sở KH&ĐT và Cục Thuế TP trong việc cấp mã số DN…
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. 	ảnh: Khắc Kiên
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. ảnh: Khắc Kiên
Đến nay, việc triển khai thực hiện rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận ĐKKD trong vòng 3 ngày đã đi vào nền nếp. Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo các phòng ĐKKD chủ động tổ chức hội thảo, tọa đàm với các công ty luật, đơn vị tư vấn và các DN nhằm trao đổi những giải pháp nâng cao chất lượng hồ sơ đăng ký DN, tiếp thu ý kiến đóng góp để có những điều chỉnh thích hợp, tạo điều kiện tối đa cho DN khi làm thủ tục. Đồng thời, Sở cũng đã tích cực triển khai và thực hiện công tác chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ ĐKKD, tăng cường nhân lực, làm thêm giờ ở bộ phận ĐKKD giải quyết TTHC.

Vướng mắc nảy sinh
Theo Sở KH&ĐT, từ khi Luật DN, Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực (1/7/2015), đến 10/1/2016, tình hình đăng ký DN như sau: Cấp thành lập mới 10.631 DN (tăng 33% so với cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký 81.378,85 tỷ đồng (bình quân đạt 7,6 tỷ đồng/DN). Số DN đã giải thể là 588 DN (tăng 15,5% so với cùng kỳ). Số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 2.433 DN (tăng 25,5% so với cùng kỳ);

Tuy đã có những thay đổi tạo thuận lợi hơn cho DN nhưng một số vướng mắc mới cũng nảy sinh khi các DN đang gặp phải khó khăn do phải nhận nhiều văn bản về kết quả giải quyết TTHC nên lúng túng trong việc lưu giữ giấy tờ; phải tìm hiểu và thực hiện trách nhiệm thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, cũng như tạo thói quen tìm hiểu thông tin của các đối tác thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN…

Trong khi đó, các phòng ĐKKD cũng đang phải giải quyết thêm một số TTHC mới do phân tách thủ tục riêng theo Luật, như: Giấy xác nhận thay đổi thông tin ĐKDN, xác nhận công bố mẫu dấu; Thông báo ý kiến về việc công ty cổ phần chào bán cổ phần riêng lẻ; Thông báo cập nhật tình trạng pháp lý của DN… dẫn đến số lượng giao dịch phát sinh nhiều, trong khi điều kiện về biên chế không thay đổi. Đồng thời, hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia vừa làm vừa sửa đổi để thực hiện theo quy định mới còn nhiều lỗi thiết kế, giao diện xử lý phức tạp và không tiện ích nên các cán bộ ĐKKD mất nhiều thời gian để vừa xử lý và thao tác trên hệ thống vừa chỉnh sửa lỗi nên việc cấp mã số DN còn chậm. Dung lượng đường truyền thấp, thời gian để giải quyết hồ sơ phải chờ mất nhiều thời gian (mặc dù đã thử nghiệm việc tải tài liệu được số hóa nhưng không thể tải hết được tài liệu - điều lệ DN). Ngoài ra, cán bộ phải thực hiện thêm nhiều thao tác khi xử lý giải quyết hồ sơ theo quy định mới về hồ sơ DN phải thực hiện số hóa ngay để đăng công bố thông tin DN nhằm hướng tới thực hiện triệt để đối với toàn bộ các thủ tục còn lại từ năm 2016. Thêm vào đó, việc chuyển đổi dữ liệu các DN/chi nhánh/văn phòng đại diện hiện đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư gắn với thành lập DN (chủ yếu là DN đầu tư nước ngoài do UBND TP, Ban quản lý khu công nghiệp & chế xuất Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cấp) tuy đã được thực hiện, nhưng thông tin còn thiếu nhiều và đang thực hiện hiệu đính trên Hệ thống chuẩn hóa, vì vậy một số hồ sơ không thể giải quyết được ngay theo thời hạn quy định.
Rất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ
Trước những vướng mắc trong quá trình thực hiện ĐKKD cho DN, Trưởng phòng Phòng Đăng ký kinh doanh số 2 (Sở KH&ĐT) Trần Minh Quang nhấn mạnh, để giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các thủ tục cho DN và nhà đầu tư, trong thời gian tới rất cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý.
Về phía Bộ KH&ĐT, tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng, bổ sung chức năng cho Hệ thống thông tin ĐKKD quốc gia (NBRS), hướng đến bổ sung phân hệ cho phép đăng ký và quản lý các loại hình như: HTX, tổ chức khoa học công nghệ, tổ chức tín dụng nước ngoài,…; quan tâm để có các phân hệ trao đổi, cập nhật thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý DN, công khai các thông tin DN, các DN vi phạm, kết xuất thông tin về DN phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước theo chức năng của mỗi đơn vị…
Sở KH&ĐT mới đây cũng đã có kiến nghị TP chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 132/ KH-UBND ngày 24/6/2015 của UBND TP về việc triển khai thi hành Luật DN năm 2014 trên địa bàn theo quy định; UBND TP tiếp tục quan tâm bổ sung biên chế cho cơ quan ĐKKD để giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ đang tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính. Đồng thời, có điều kiện để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về quản lý DN sau ĐKKD theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện để các phòng ĐKKD thuộc Sở được bổ sung diện tích, kinh phí cải tạo trụ sở cơ quan, giảm tải tại khu vực tiếp công dân, DN...; bổ sung kinh phí thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ ĐKKD; đầu tư để thực hiện việc ổn định, mở rộng dung lượng đường truyền của Hệ thống thông tin DN và đầu tư của T.Ư và TP đáp ứng yêu cầu và đảm bảo thực hiện “Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4”; chỉ đạo thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC về thành lập DN và đầu tư; có sự chỉ đạo sát sao tới các sở, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với DN sau ĐKKD theo quy định...
Những kiến nghị trên cũng chính là mong muốn nhằm tạo điều kiện giải quyết TTHC cho DN sớm gia nhập thị trường, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho Hà Nội.
Nguyên Dương ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần