Gỡ vướng từ cơ chế nghiên cứu khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách tham quan, nghe giới thiệu về một số mặt hàng ở Hội chợ Khoa học - Công nghệ 2014 tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Đa số ý kiến mà các nhà khoa học đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập diễn ra cuối tuần qua đều cho rằng, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP vẫn còn nhiều bất cập: Văn bản lạc hậu; mất nhiều khâu, thời gian thanh toán đối với các đề tài khoa học…

Vướng trong thực hiện

Theo số liệu tổng hợp của Bộ KH&CN, tính đến 31/12/2014, toàn quốc có 642 tổ chức KH&CN công lập (473 tổ chức thuộc bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư), trong đó có 488 tổ chức được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ. Hiện vẫn còn 154 đơn vị chưa được phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mặc dù Nghị định 115 (sửa đổi) quy định hạn cuối cùng của việc này là 31/12/2013.
Khách tham quan, nghe giới thiệu về một số mặt hàng ở Hội chợ Khoa học - Công nghệ  2014 tại Hà Nội.             Ảnh: Chiến Công
Kinhtedothi - Khách tham quan, nghe giới thiệu về một số mặt hàng ở Hội chợ Khoa học - Công nghệ 2014 tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Không phủ nhận những thành quả đạt được sau 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ, song Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh thừa nhận, vẫn còn vướng mắc do một số ban, ngành nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. “Nghị định 115 cho phép thủ trưởng tổ chức KH&CN được quyền quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, cử cán bộ đi công tác nước ngoài, nhưng trên thực tế, nhiều tổ chức chưa thực sự được trao quyền “tự quyết” về quản lý nhân lực. Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương thiếu nghiêm túc trong chỉ đạo thực hiện; chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn; hệ thống văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, xung đột của các quy định trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành…” - ông Khánh cho biết. Đồng quan điểm này, đại diện Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam còn cho rằng, một số văn bản của Nhà nước quy định mức chi cho chuyên đề nghiên cứu, thù lao dự họp… ban hành lâu chưa được sửa đổi, bổ sung nên đã lạc hậu so với thực tế. Việc thanh toán đối với các đề tài còn nặng về chứng từ thanh toán, mất thời gian, công sức, do đó chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

Ban hành văn bản hướng dẫn

Để gỡ “vướng”, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN thực hiện được cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Hiệu - nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho rằng,  cần đầu tư ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu. Trên cơ sở này mới tạo điều kiện cho việc thu hút nhân tài phục vụ phát triển khoa học. “Các bộ, ngành sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế khoán chi đối với các nhiệm vụ khoa học; xây dựng quy chế dân chủ; Bộ Tài chính có văn bản quy định về khoán kinh phí hoạt động thường xuyên đối với tổ chức KH&CN…” – ông Hiệu khẳng định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: Mục đích của tự chủ không phải hướng đến giảm chi đối với các đơn vị mà hướng đến giảm sự lãng phí, sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn. Năm 2015, 100% tổ chức KH&CN công lập phải chuyển đổi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN công lập thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.