Gốc của đồng thuận là giám sát và phản biện xã hội

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ý kiến cho rằng, để Nhân dân được nói lên ý kiến của mình, cần có một cơ chế, đó chính là giám sát và phản biện xã hội (PBXH). Trong 10 năm qua, với vai trò là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu cả nước trong thực hiện PBXH.

 Thành viên MTTQ Việt Nam phường Yết Kiêu (Hà Đông) giám sát công tác bảo đảm an ninh trật tự tại chợ dân sinh trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt
Góp phần xây dựng quyết sách
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát và PBXH của MTTQ các cấp TP đã từng bước đi vào nền nếp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên đã xây dựng và thực hiện bài bản cơ chế phối hợp trong tổ chức PBXH, tích cực và chủ động trong các quan hệ phối hợp thống nhất hành động giữa 3 cơ quan HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ TP. Điều đó được thể hiện trong gần 200 hội nghị PBXH cấp huyện và 1.200 hội nghị cấp xã gắn với các nội dung thiết thực, cụ thể đã được dư luận ủng hộ, góp phần xây dựng quyết sách của chính quyền các cấp TP.

Bên cạnh đó, hoạt động của Thanh tra Nhân dân (TTND) và Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng đã sớm được triển khai và hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, Ủy ban MTTQ TP đã phối hợp với Đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội, HĐND, Viện Kiểm sát, sở, ngành giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với các hộ nghèo, người có công, gia đình chính sách; Việc thực hiện các chính sách GPMB, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, cải cách thủ tục hành chính, một số nội dung về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, giám sát việc triển khai, thực hiện quy chế dân chủ theo pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các xã, phường, thị trấn; việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội tại các sở, ngành; việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau mỗi đợt giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đều có văn bản kiến nghị đến các cơ quan có liên quan để phản ánh những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của cuộc sống.

Sự kiên trì, đồng bộ và bài bản của hoạt động này đã thể hiện qua gần 66.900 cuộc giám sát của ban TTND và 39.600 vụ việc của Ban Giám sát đầu tư công cộng đồng. Từ đó, đã phát hiện hơn 26.000 vụ việc vi phạm, kiến nghị, giải quyết xử lý hơn 24.800 vụ và hơn 22.400 vụ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết; phát hiện gần 10.300 công trình, dự án vi phạm. Trên cơ sở đó, kiến nghị khắc phục và xử lý gần 1000 vụ, thu hồi về cho Nhà nước 81,9 triệu đồng và 1,203.923,4m2 đất.

Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân

Mặc dù hoạt động giám sát và PBXH đã có nhiều chuyển biến rõ nét, song, vẫn còn một số nơi hiệu quả hoạt động này chưa cao. Nhất là có nơi công tác nắm bắt dư luận, bức xúc của Nhân dân còn chưa kịp thời, vẫn còn tình trạng người dân đi khiếu nại, tố cáo đông người. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Bùi Anh Tuấn, trong thời gian tới, MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và PBXH. Cùng với đó, thực hiện dân chủ, đại diện và bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong các hoạt động giám sát, PBXH, nhất là trong giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, MTTQ cần tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, đảm bảo để Nhân dân được tham gia đóng góp vào những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của họ. Đồng thời, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức, chống quan liêu, đặc biệt là phòng chống tham nhũng lãng phí. Bởi, giám sát và PBXH chính là gốc của đồng thuận xã hội.