Góc nhìn nhà giáo: Nhân viên thư viện đừng coi mình là thủ kho

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/9, Sở GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác thư viện trường học các trường phổ thông tại Hà Nội năm học 2018 – 2019. Trao đổi về các hoạt động của thư viện trường học (TVTH), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh, thư viện trong trường phổ thông rất quan trọng bởi góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo ông Tiến, thư viện là kho tri thức. Học sinh vào thư viện để đọc sách, bổ sung và làm giàu kiến thức, cũng như nâng cao kiến thức. Nhưng hiện nay, nhiều lãnh đạo nhà trường còn thờ ơ với TVTH nên buông lỏng quản lý. Do đó, yêu cầu cán bộ làm công tác thư viện cần chủ động tham mưu với lãnh đạo nhà trường giao trách nhiệm cho các thành viên trong ban chỉ đạo. Hơn nữa, muốn học sinh vào thư viện nhiều, cách tốt nhất là tuyên truyền, giới thiệu sách. “Nếu chúng ta tham mưu với ban giám hiệu và mua sách về, sau đó in mác, nhập mã số, vào sổ mục lục và xếp lên giá sách thì chưa hết trách nhiệm và đạt hiệu quả. Thậm chí, đó còn là sự lãng phí, thiệt thòi cho các thầy cô và học sinh khi không biết có cuốn sách hay để đọc” – ông Tiến nhấn mạnh. Ông cũng đề nghị những người làm công tác thư viện phải tuyên truyền, giới thiệu sách. Có nhiều hình thức để làm nhưng đơn giản nhất là khi sách mới về thuộc môn học nào thì thầy tổ trưởng bộ môn chịu trách nhiệm viết giới thiệu khoảng 1/2 hoặc 2/3 trang giấy. Sách của chung thì giới thiệu tới tất cả các lớp học. Sách dành cho khối nào thì giới thiệu trong khối đó, lớp này đọc xong chuyển qua lớp khác. Quan trọng là viết giới thiệu cuốn sách đó làm sao để cho người ta thấy hào hứng, thích và khi có thời gian là tìm đọc ngay…

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định, các trường tiểu học làm rất tốt công tác thư viện. Nhưng đến trường THCS, đặc biệt là THPT thì thật buồn khi mở cửa thư viện thấy bàn ghế bám bụi, mạng nhện chăng. Điều đó cho thấy công tác thư viện còn nhiều hạn chế, kể cả cán bộ quản lý và nhân viên thư viện. “Các đồng chí thư viện đừng coi mình là thủ kho. Nếu là thủ kho thì mất đi 90% ý nghĩa của người làm nghề thư viện và không cần phải đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Cần phải tổ chức được những hoạt động liên quan đến thư viện để thu hút người đọc” – ông Tiến nhắn nhủ. Và ông cũng cho biết, ngành GD&ĐT Hà Nội đang có suy nghĩ khôi phục lại cuộc thi Nhân viên thư viện giỏi để đẩy mạnh công tác thư viện trong trường học. Qua đó, nhân viên thư viện được cọ xát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và được thể hiện mình nhiều hơn trong công tác thư viện.