Gọi “đám quần chúng” của TS Đoàn Hương khiến dư luận “sốc”

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến thông tin cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền chưa hết tranh cãi thì việc phát ngôn “Không thể để 1 đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá Tiếq Việt” của TS Đoàn Hương lại khiến dư luận “sốc” và phản ứng dữ dội.

Bức xúc trước phát ngôn “Không thể để 1 đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá Tiếq Việt” của TS Đoàn Hương, trên trang Febook cá nhân của mình, một độc giả viết: “Thế giới có bảy kỳ quan. Kỳ quan thứ tám là Đoàn Đặng Hương… Giữa lúc bận bịu, vẫn phải dành vài ba mươi phút để viết đôi lời nhắn hỏi kỳ quan thứ Tám. Chả là sáng nay (28/11), không hiểu sao VTV3 lại mời Kỳ quan thứ Tám lên ngồi tọa đàm cùng với PGS.TS Bùi Hiền ở chuyên mục Cà phê sáng.
 Tiến sĩ Đoàn Hương phát ngôn gây ''sốc'' trong chương trình Cà phê sáng trên kênh VTV3.
Tôi không muốn nói gì về nội dung cải cách chữ viết của thầy Bùi Hiền, cũng không muốn bàn đến nội dung cuộc tọa đàm; chỉ xin bắt đầu từ một câu nói của Kỳ quan này. Khi được MC hỏi ý kiến về việc dư luận công chúng phản ứng trước đề xuất cải cách chữ viết của thầy Bùi Hiền, Kỳ quan thứ tám nói: – Không thể đem việc ấy ra hỏi “cái đám quần chúng thiếu hiểu biết ấy được” (nguyên văn, các bạn có thể kiểm tra lại mục caphe sáng VTV3, 28/11/2017).

Tôi ngồi nghe mà lặng điếng người. Định lờ đi, coi như mới đầu buổi sáng đã gặp điều chẳng lành; nhưng rồi cứ văng vẳng bên tai câu nói đầy miệt thị ấy, nên không chịu được, đành ngồi viết đôi điều hỏi Kỳ quan thứ Tám.

Thứ nhất, thưa Kỳ quan, nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, tiếng nói, chữ viết “là hương hỏa của cha ông để lại”. Điều đó có nghĩa là nó là tài sản chung, phàm là người Việt ai cũng có quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ tiếng nói và chữ viết của dân tộc. Chẳng lẽ “cái đám quần chúng” ấy không phải là người Việt?

Thứ hai, tiếng nói và chữ viết là thứ người ta dùng hàng ngày, không phân biệt ông giáo sư hay bác xích lô. Việc thay đổi chữ viết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi tầng lớp, trong xã hội. Chẳng lẽ “cái đám quần chúng” ấy không bị ảnh hưởng gì? Và vì thế không được lên tiếng, cứ để ai muốn làm gì cũng được?

Thứ ba, nói quần chúng là để phân biệt với lãnh đạo. Cũng có nghĩa là trừ lãnh đạo ra còn lại tất cả đều là quần chúng. Nếu thế, trong“cái đám quần chúng”mà Kỳ quan nói, tôi thấy có rất nhiều người là bậc thầy của bà về trình độ Việt ngữ cũng như văn hóa Việt. Chẳng lẽ họ cũng đều là những“quần chúng thiếu hiểu biết”, ngu dốt hay sao?

Thứ tư, chính “cái đám quần chúng” mà Kỳ quan có vẻ khinh miệt ấy là những người đang đóng thuế nuôi Kỳ quan đấy. Họ là những người làm ra và làm nên lịch sử; là động lực của các cuộc cách mạng như Đảng ta đã nói đấy…Nếu có không tán thành với cách phản ứng của họ thì cũng không nên nói về họ với một giọng khinh miệt như thế, nhất là khi Kỳ quan lại mang danh TSKH, ngành nhân văn.

“Đôi điều thế cho nhẹ lòng, kẻo cả ngày không làm được gì vì câu nói ấy” – độc giả này viết.

Bên cạnh đó, còn hàng trăm, hàng nghìn độc giả chia sẻ trên trang cá nhân cũng như mạng xã hội những bức xúc về phát ngôn của TS. Đoàn Hương, trong đó có cả người thầy của TS Đoàn Hương, GS Hà Minh Đức vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe tiến sĩ (TS) Đoàn Hương gọi dư luận chỉ trích đề xuất thay đổi tiếng Việt là "đám quần chúng".
"Cô ấy là học trò của tôi. Nói chung đó là một người tốt, có tài nhưng không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình.
... Phát ngôn của cô ấy không chỉ là bột phát mà còn là hệ quả của một tính cách. Cô ấy không phải là nhà ngôn ngữ thì sao lại mời tham gia vào việc trả lời về một công trình nghiên cứu ngôn ngữ. Hơn nữa, Hương là một người văng-tê, không để ý quy củ, nói năng mạnh bạo.
Tôi nhớ, trong một chương trình Giai điệu tự hào, cô ấy đã so sánh âm nhạc của Trịnh Công Sơn giống như quả bom được đặt vào tim và nổ tung. Có lần cô ấy lại ví một nhà xuất bản là nhà hậu sinh. Như thế là quá cường điệu, khập khiễng. Vận dụng lối nói quá để tạo ra sự sắc sảo là quyền của cô ấy. Nhưng không thể chấp nhận chuyện gọi dư luận là đám quần chúng".