Gói hỗ trợ lần 2 cần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong một báo cáo mới đây của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ với tổng giá trị thực - tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng cam kết chi ra, ước tính 181.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019.

Trong 4 gói hỗ trợ thì gói tiền tệ, tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, các gói còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục. Ngoài kiến nghị Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) giúp người dân, DN vượt khó với quy mô 2,5% GDP.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa có đề xuất cho DN du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Giải quyết thủ tục cho người lao động tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đã có kiến nghị Chính phủ phương án hỗ trợ Vietnam Airlines (VNA) theo hướng giải cứu bằng việc thông qua NHNN sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỷ đồng lãi suất 0% tối thiểu trong 3 năm để đủ thời gian cho đơn vị này khắc phục các ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trường hợp không thực hiện được phương án trên, đề nghị cho VNA vay vốn các ngân hàng thương mại, phần nhà nước hỗ trợ cho VNA thông qua bù chênh lệch lãi suất…
TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ cần mạnh dạn với các gói hỗ trợ cho DN như cho vay lãi suất thấp hay 0% vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều đó. Thậm chí, Chính phủ các nước còn chi tiền để phát không cho cả DN lẫn người dân. Việc hỗ trợ bù lãi suất không phải là trợ giá hàng hóa và nhất là trong điều kiện do đại dịch Covid-19, chúng ta không lo ngại vi phạm về các nguyên tác của kinh tế thị trường. Nếu không thực hiện thì khi “lò xo” kinh tế thiếu động lực và muốn phục hồi trở lại thì sẽ càng tốn kém nhiều hơn.

Trong khảo sát 360 DN mà Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa thực hiện giữa tháng 8/2020 cho thấy, không ít DN buộc phải tạm ngừng hoạt động (tới 20%). Nhưng ngay cả những DN còn hoạt động, việc cân đối thu, chi cũng khó khăn, vì doanh thu giảm mạnh. Đưa ra những khuyến nghị trong việc thay đổi cách tiếp cận và lựa chọn chính sách đối với DN, Ban IV cho rằng, thay vì các chính sách hỗ trợ khi DN đã “kiệt quệ” và “đổ vỡ” thì đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi. Ban IV cũng đề xuất, chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho DN. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ DN làm ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh hơn, được thực thi nhanh, minh bạch, thuận tiện. Đặc biệt, Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý.