Gọi tên anh “Sáu Khải”

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bác Sáu Khải, chú Sáu Khải, anh Sáu Khải, cái tên mấy hôm nay được nhắc đến dày đặc trên báo chí, truyền thông, được gọi lên từ đáy lòng của rất nhiều người dân Việt Nam từng sống qua những tháng năm khó khăn của đất nước thời đầu đổi mới.

Bởi có sống trong những tháng năm ấy thì từ bạn bè đồng chí, cán bộ dưới quyền của ông đến những người dân bình thường mới thấu hiểu, mới nhận ra ở ông – một vị Thủ tướng của đất nước với nhiều phẩm chất đặc biệt. 
Mặc dù Nghi thức Quốc tang dành cho một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng - Chính phủ sáng nay mới chính thức được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, nhưng từ mấy ngày nay được tin ông mất, rất nhiều người đến thắp hương tưởng nhớ đến ông, vĩnh biệt người đồng chí, vị thủ trưởng năng động, giỏi giang, giản dị và chí tình. Những đức tính ấy theo ông dù bất cứ ở cương vị nào, cả khi trên cương vị người đứng đầu chính phủ, rồi về hưu sau khi đã cống hiến tất cả tâm trí, sức lực cho nước, cho dân.
 

Rất nhiều câu chuyện nhớ về ông, đặc biệt là những câu chuyện về điều hành nền kinh tế trong một giai đoạn hết sức khó khăn của đất nước thời kỳ đầu đổi mới nhưng cũng đầy cơ hội để mở cửa, hội nhập. Tất cả đã nhắc nhớ về hình ảnh một vị Thủ tướng tài năng và bản lĩnh. Nói như TS Lê Đăng Doanh thì “anh Khải là Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam”.

Điều đó được thể hiện qua sự vận hành hiệu quả, xuyên suốt của bộ máy hành chính từ T.Ư đến địa phương, những chuyện về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xử lý những phát sinh từ cuộc khủng hoảng tài chính, gia nhập WTO, hội nhập quốc tế. Từ những trăn trở làm gì để giúp dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, đến những quy hoạch mang tính dài hạn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có Hà Nội để xứng đáng là Thủ đô của cả nước… việc gì cũng thấy ông đi tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay. Ông không có thói quen “chỉ ra” mà luôn lắng nghe để phân tích, xử lý vấn đề một cách chu đáo. Nếu thấy cái gì đúng, có lợi cho dân cho nước là ông quyết. Không sợ trách nhiệm nhưng cũng không bao giờ chủ quan, tự mãn, lạm quyền.

9 năm ở vị trí người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tạo ra những quyết sách mang tính đột phá khi trình Quốc hội ban hành Luật DN 1999, thay đổi cơ bản triết lý phát triển từ “DN chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép” thành “được làm những gì pháp luật không cấm”. Chính triết lý này đã thuyết phục cộng đồng DN mở rộng kinh doanh, đặt nền móng cho công cuộc cải cách, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các DN.

Ông cũng được ghi nhận là một Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập đặc biệt là khi ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Hỳ từ sau năm 1975. Chuyến thăm đánh dấu 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, mở ra giai đoạn phát triển mới giữa hai quốc gia trên mọi lĩnh vực. Thành tựu ngoại giao này có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao vị thế, vai trò và niềm tin của Việt Nam đối với bạn bè, đối tác trên thế giới.

Công lao to lớn là vậy nhưng ông luôn tự biết mình. Khi cần, sẵn sàng rút lui để lớp trẻ tiến lên, làm tiếp những gì mà mình đang làm dang dở. Những trăn trở của ông trong lời phát biểu xin từ nhiệm trước một năm so với nhiệm kỳ là những lời gan ruột của một con người đã cống hiến trọn đời mình. Cách sống, cách làm của ông đã cho mọi người thấy rằng, “chức quyền cao chưa phải là sự nghiệp mà chỉ là phương tiện để làm nên sự nghiệp cho dân, cho nước mà thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần