Google gỡ gần 6.500 video trên YouTube vì vi phạm pháp luật Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 6.500 trên tổng số 7.410 video clip có nội dung xấu độc trên YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác cấp cao Google do bà Ann Lavin - Giám đốc Chính sách Công và Quan hệ Chính phủ, Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu vào ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao thiện chí của Google.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và đại diện của Google. Ảnh: MIC.

Đặc biệt, sau cuộc làm việc vào tháng 3/2017 với bà Ann Lavin, hai bên đã thiết lập cơ chế dành riêng cho Việt Nam về việc xử lý các yêu cầu của Bộ TT&TT đối với việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên YouTube.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn cho rằng, cần phải hợp tác hiệu quả hơn nữa để giảm tối đa hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung của quốc tế và hoạt động ở quốc gia nào thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảm ơn phía Google đã tích cực hợp tác với Bộ TT&TT trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các video, clip xấu độc, xuyên tạc về Việt Nam, vi phạm pháp luật của Việt Nam trên YouTube.

Cụ thể, tính tới cuối tháng 12/2017, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 6.423 trên tổng số 7.410 video clip có nội dung xấu độc trên YouTube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Google cũng đã gỡ ứng dụng của 5 trò chơi điện tử G1 chưa có quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản theo quy định khỏi Google Play.

Và để hợp tác hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Google tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với nhà chức trách Việt Nam, thể hiện bằng việc hạ nguyên kênh vi phạm thay vì hạ từng video clip hiện nay; đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với các đề nghị từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông; sớm thiết lập lại cơ chế cập nhật kết quả xử lý vào thứ 3 hàng tuần…

Ngoài ra, Google cần xem xét lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để tiếp nhận trực tiếp các yêu cầu xử lý và thực hiện nghĩa vụ có liên quan khi triển khai hoạt động kinh doanh.

Về phía Google, bà Ann Lavin nhận định, sau cuộc gặp gỡ vào năm 2017, hai bên đã hiểu nhau và hợp tác tốt hơn. Bà Ann Lavin cho biết, Google đi đến quốc gia nào thì đều phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, trong đó có Việt Nam. Mục đích của chuyến làm việc lần này của Google nhằm mục đích tìm hiểu pháp luật Việt Nam, làm việc với các đơn vị có liên quan của để Google hiểu rõ hơn và hợp tác tốt hơn với Việt Nam trong thời gian tới…