Mua bán nhà "trá hình" đang bành trướng sang nhà ở xã hội

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huy động vốn, thực chất là mua bán nhà “trá hình” phổ biến tại các dự án đất nền, chung cư trung, cao cấp đã từng dậy sóng thị trường khi nhiều người tố cáo chủ đầu tư chiếm dụng vốn.

Mới đây, hình thức “ngoài luồng” này còn ngang nhiên “bành trướng” sang cả thị phần nhà ở xã hội (NƠXH) với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nghịch lý cũng từ đây mà xuất hiện, bất chấp cơ quan chức năng khẳng định “kiên quyết không để xảy ra trục lợi chính sách NƠXH” thì gần 100 người mua nhà thu nhập thấp đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng góp vốn, tiền chênh ngoài mà không được nhận nhà.
Gần chục tỷ đồng đang ở đâu?
Tâm điểm hình thức góp vốn NƠXH đang tập trung ở dự án NƠXH Đại Kim, Đồng Mô, Hoàng Mai với gần 100 khách hàng đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái (Công ty Việt Thái). Kể từ lúc đặt bút ký, theo phản ánh của người dân, vì thu nhập thấp nên “cực chẳng đã” mới dùng cách này để mua được nhà giá rẻ, ai ngờ như “ngồi trên đống lửa”.

Dự án nhà ở xã hội Đại Kim, quận Hoàng Mai. Ảnh: Chiến Công

Theo chị T. – một khách hàng ký hợp đồng góp vốn với Việt Thái, cuối năm 2015, gia đình chị đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Vũ Hùng - Tổng Giám đốc Công ty. Lúc này, ông Hùng cam kết “chắc chắn mua được nhà” khi cho xem giấy tờ ủy quyền dấu đỏ được phân phối các căn hộ tại dự án NƠXH Đại Kim. Sau đó, hai vợ chồng chị ký hợp đồng góp vốn với Việt Thái với hơn 150 triệu đồng góp vốn và 50 triệu đồng tiền chênh. Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2016, nhiều khách hàng “tá hỏa” khi Công ty Handico 5 (chủ đầu tư chính thức của dự án) khẳng định không ký kết và có bất cứ ủy quyền, hứa hẹn nào với Việt Thái. Do đó, Công ty này không có chức năng đứng ra bán nhà hay ký hợp đồng với khách hàng tại dự án NƠXH Đại Kim.
Ngay lập tức, nhiều khách hàng đã liên lạc với ông Hùng để được giải đáp nhưng không liên lạc được, đến Công ty thì luôn trong tình trạng đóng cửa. Trong khi đó, chỉ tính riêng số tiền của gần 100 “nhà đầu tư” chuyển cho Việt Thái (cộng cả số tiền chênh) đã lên tới gần chục tỷ đồng. Anh N.Q.D cho biết: “Vào ngày 8/7/2016, sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã tìm gặp được ông Hùng và yêu cầu lập biên bản hoàn trả số tiền các bên đã đóng góp theo hợp đồng góp vốn với Việt Thái trong thời gian từ năm 2015 - 2016. Ông Hùng trực tiếp viết biên bản cam kết hoàn trả 100% số tiền các khách hàng đã đóng vào hạn chót là ngày 28/7/2016 tại phòng P403/17T2 Hoàng Đạo Thúy. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Hùng đã bỏ trốn. Hiện tại, nhóm người mua nhà qua Việt Thái đã gửi đơn kiện lên Tổng cục 5 (Bộ Công an)”.
Cũng với chiêu trò “góp vốn đầu tư” tại dự án “Đầu tư xây dựng nhà ở để bán cho cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng và các đối tượng khác ngoài quân đội có nhu cầu của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng)", hàng chục nhà đầu tư cũng trong tình trạng “dở khóc, dở cười” gần 6 năm nay. Theo phản ánh, khoảng tháng 5/2010, được biết Công ty Thuận Thành và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn ký hợp đồng hợp tác để đầu tư xây dựng dự án trên tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, các hộ dân đã cùng Công ty Thuận Thành ký hợp đồng góp vốn đầu tư với số tiền 14,3 triệu đồng/m2. Cam kết tại hợp đồng này là sẽ khởi công xây dựng dự án trong tháng 6/2010 và hoàn thành việc xây dựng vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, các cam kết vẫn không được thực thi.
Cần quy định pháp lý chặt chẽ
“NƠXH bây giờ còn ký hợp đồng góp vốn, nhận tiền cọc, tiền chênh “thoải mái” như nhà ở thương mại thì còn gì là kỷ cương, pháp luật? Thiệt hại trước tiên là người góp vốn – những người nghèo khao khát có một căn nhà để sinh sống nhưng lại “mất cả chì lẫn chài”. Phải xác định rõ được trách nhiệm của chủ đầu tư chính hay công ty thứ cấp. Nếu không xử lý được hàng loạt những tiêu cực này thì tốt nhất nên dừng hẳn chính sách NƠXH lại, bởi người nghèo có nhà thì ít, tiêu cực “chảy” vào cá nhân, tổ chức thì nhiều" - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm bức xúc.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Mai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, xét trên cơ sở pháp lý, hình thức huy động vốn (sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên) tại các dự án đủ điều kiện là hợp lý. Tuy nhiên, với hàng loạt tiêu cực xuất phát từ hình thức này thì Nhà nước cần một quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản bằng “Hợp đồng góp vốn đầu tư” hoàn thiện và chặt chẽ, để quyền lợi, nghĩa vụ của các bên được bảo vệ. Cũng cần nhìn nhận về phía cá nhân góp vốn, xuất phát từ nhu cầu muốn sở hữu một căn hộ giá rẻ trong tương lai, hoặc làm lợi từ nguồn vốn có được của mình mà đã vội vã đầu tư, không thu thập đầy đủ những thông tin về năng lực chủ đầu tư, không rõ hợp đồng ký kết với chủ đầu tư chính hay chủ đầu tư thứ cấp, không hiểu hết các điều khoản trong hợp đồng, tiến độ cụ thể của dự án… dẫn đến “tiền mất, tật mang”.
“Riêng các công ty thứ cấp nếu có hành vi lừa đảo khi chủ động huy động vốn của những người mua nhà mà “giả mạo” có sự ủy quyền của chủ đầu tư hay chưa có giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục pháp lý khác để thực hiện dự án là vi phạm pháp luật. Do đó, nhóm khách hàng nên tập trung lại, gửi đơn tố cáo hành vi có dấu hiệu “lừa đảo” và “chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp” của các công ty này” - luật sư Nguyễn Ngọc Mai khuyến cáo.
Chuyên gia nhận định
Xác định rõ  chủ đầu tư
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, bất chấp các quy định cấm, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư vẫn thực hiện các giao dịch mua bán nhà hình thành trong tương lai nhưng núp dưới bóng huy động vốn. Việc người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp bỏ ra hàng trăm triệu đồng để góp vốn vào dự án chung cư, rồi lỡ rơi vào cảnh “mật ngọt chết ruồi”, tiền mất, nhà không có, cho thấy “nút thắt” của hình thức hợp đồng góp vốn. Đối với chủ đầu tư thứ cấp cố tình lách luật để huy động vốn nhằm chiếm đoạt, cơ quan chức năng cần can thiệp và có hình thức xử lý nghiêm khi hợp đồng góp vốn buộc đưa ra tòa giải quyết. Còn nếu có sự liên đới giữa chủ đầu tư chính và thứ cấp sẽ xử lý cả hai theo quy định.
Do đó, các cơ quan chức năng chưa có quy định chặt chẽ về loại hình góp vốn này thì người dân nên tự bảo vệ mình trước khi đặt bút ký. Phải tìm hiểu đầy đủ thông tin, dự án đầu tư; xác định chính xác chủ đầu tư là ai, tránh ký với chủ đầu tư thứ cấp, nắm rõ toàn bộ điều khoản chi tiết trong hợp đồng; tiến độ thực hiện dự án và tỷ lệ trượt giá… Nếu cá nhân góp vốn chưa nắm được thông tin, cần hợp tác cùng với các nhà tư vấn luật có hiểu biết về bất động sản.
Gia Tuấn  ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần