Góp ý nhỏ về một vấn đề lớn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần hai năm lấy ý kiến người dân về loa phường, các cơ quan chức năng của Hà Nội khảo sát trở lại và nhận được kết quả tương tự.

Các câu hỏi được đưa ra lấy ý kiến xoay quanh việc người dân tiếp nhận thông tin qua các phương tiện nào, số lượng loa phường sau sắp xếp đã phù hợp chưa, các gia đình có ủng hộ nếu chính quyền lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa phường... 

Theo công bố mới đây của Sở TT&TT Hà Nội, 70% người dân được khảo sát ở Hà Nội ủng hộ chủ trương tháo bỏ loa phường. Cụ thể, đa số người dân ủng hộ việc sắp xếp mạnh mẽ hơn loại hình thông tin này, tiến tới bỏ loa truyền thanh công cộng trong các quận nội thành. Người dân cũng cho rằng việc duy trì từ 5 - 10 cụm loa, tương đương 10 - 20 loa như hiện nay ở các quận để thông tin là hơi nhiều. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, loa phường vẫn có những ưu điểm, chỉ cần sắp xếp hợp lý số lượng, vị trí, thời điểm và nội dung phát sóng.

Kết quả trên tương đồng với kết quả lần một, mặc dù có thời gian ngắn hơn và số người được lấy ý kiến ít hơn.

Như vậy là đã rõ, người dân TP ủng hộ việc chấm dứt hoạt động của loại hình thông tin cộng đồng mà chúng ta vẫn quen gọi là “loa phường”. Công bằng mà nói, loa phường cũng đã từng có những tác dụng hữu hiệu trong đời sống của dân cư TP. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, phương thức truyền thông này đã không còn phù hợp. Mặt khác, nhiều nơi, nhiều lúc loa phường còn bị lạm dụng quá mức, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Nói một chút về lịch sử loa phường cùng sự thăng trầm của nó để bàn tới một công việc đang được quan tâm. Đó là tìm kiếm một phương tiện phù hợp để thay thế cho loa phường, nhằm cung cấp, thông báo kịp thời đến người dân những thông tin cần thiết.

Trong số nhiều phương án được đưa ra, sử dụng Thiết bị thông minh M-Gateway là một phương án được lựa chọn bước đầu. TP đã thí điểm lắp đặt thiết bị này tại 200 hộ dân ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy với kỳ vọng thay thế chức năng của loa phường. Kết quả khảo sát vừa công bố cho thấy, hơn 60% người tham gia ủng hộ việc lắp đặt thiết bị thông minh thay thế loa phường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đánh giá thiết bị này chưa phát huy tác dụng, chưa thực sự phù hợp, thậm chí khó sử dụng. Nếu sử dụng đại trà cần tiếp tục cải tiến. Đáng nói là đa số người được phỏng vấn cho biết họ sẽ không sử dụng thiết bị thông minh nếu mất phí lắp đặt và tính cước thuê bao hàng tháng.

Như vậy, có thể nói, việc tìm kiếm một phương tiện thay thế hoàn toàn một cách hữu hiệu cho loa phường vẫn chưa có hồi kết.

Những ai đã từng sống, học tập, làm việc ở Hà Nội khoảng vài chục năm cuối thế kỷ trước trở lại đây đều ít nhiều có những kỷ niệm khó quên với những tấm bảng thông tin có ở hầu khắp các khu tập thể, tổ dân phố. Đó là những tấm bảng trát bằng xi măng, sơn đen hay đóng bằng gỗ gắn trên một bức tường đầu hồi một khu tập thể, trụ sở khu phố, thường là những điểm cư dân trong khu phố, khu tập thể thường qua lại… Gắn bó với các khu dân cư, tổ dân phố, những tấm bảng đó là một phương tiện thông tin hữu hiệu được dùng từ nhiều năm nay và hiện vẫn phát huy tác dụng. Với phương thức này, người dân vẫn có thể tiếp nhận nhanh chóng những thông tin về tiêm phòng dịch bệnh, mời họp tổ dân phố, lịch phát lương hưu...., kể cả lời chúc mừng năm mới!

Nên chăng, cùng với các thiết bị hiện đại, thử nghĩ đến phương án đơn giản, rẻ tiền mà không kém phần hữu hiệu này. Tất nhiên, nếu chọn phương án này cũng cần nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp. Ví như thay bảng đen, phấn trắng bằng bảng phooc-mi-ca cùng bút dạ. Ở những nơi có điều kiện, như chung cư cao cấp chẳng hạn, có thể dùng bảng chữ điện tử đặt tại sảnh ra vào mỗi tòa nhà…

Nêu một ý kiến nhỏ để các cơ quan hữu trách tham khảo. Tuy nhiên, dù dùng phương tiện nào, cách chuyển tải nào thì những thông tin muốn đưa tới người dân vẫn phải có tính thiết thực với đời sống của họ. Khi người dân thấy thông tin thực sự cần thiết, có tác dụng thiết thực thì họ sẽ không bao giờ bỏ qua, nếu không nói là tìm cách chủ động để tiếp cận dù bằng loại phương tiện nào.

L.Q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần