GS Phan Huy Lê: Nhà sử học luôn dành trái tim, khối óc của mình cho Hà Nội

Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS Phan Huy Lê từng nói rằng: “Trong suốt quá trình gắn bó với sử học, tôi luôn dành một phần trái tim và khối óc của mình cho Hà Nội”, đó chính là sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Thủ đô, trong đó có công tác đặt tên đường, phố và công trình công cộng.

 Giáo sư Phan Huy Lê nghe báo cáo kết quả khai quật tại Hoàng thành Thăng Long (ngày 17/4/2018).
Đóng góp ý kiến cho hàng trăm tên đường
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP Hà Nội, GS Phan Huy Lê đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác này. Ông khẳng định đặt tên đường phố không chỉ là công việc của các nhà quản lý mà còn là của khoa học. Ông đã đưa ra những ý kiến đóng góp xác đáng, khắc phục được những hạn chế, bất cập, giúp Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước trong công tác đặt tên đường phố và công trình công cộng.

Hà Nội là địa phương ban hành sớm nhất quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng (năm 2006). Trong đó, GS Phan Huy Lê đặc biệt quan tâm việc bảo tồn những tên địa danh cổ có ý nghĩa lớn về lịch sử, văn hóa, xã hội. Từ khi GS tham gia Hội đồng tư vấn đặt tên đường, phố, Hà Nội đã có hàng trăm đường, phố mới được đặt tên theo tên địa danh, tên di tích lịch sử văn hóa, tên danh nhân, tên các sự kiện lịch sử lớn của đất nước và Thủ đô.

Trước năm 2010, GS Phan Huy Lê đã đề xuất xây dựng ngân hàng tên để phục vụ cho công tác đặt tên đường, phố. Ông đã đề nghị Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, địa bàn mở rộng, có thêm rất nhiều làng nghề nên ưu tiên số một cho tên địa danh, có thể đánh số 1, 2, 3 theo nhánh đường nhỏ; cần xem xét để đặt tên các địa danh tiêu biểu của quốc gia như Hoàng Sa, Trường Sa… Nghiên cứu địa danh gắn với di sản văn hóa, nhất là những di sản văn hóa vật thể như tên đình, chùa, đền, miếu… nhưng phải có những tiêu chuẩn cụ thể, hợp lý.

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP Hà Nội còn đề xuất Hà Nội có truyền thống đặt tên nhân danh, nên sẽ không bỏ truyền thống này. Nhưng hiện nay, tên nhân danh hiện đại quá nhiều, cần phải nghiên cứu kỹ các tên nhân danh trong lịch sử để lựa chọn đặt tên cho đường phố (ví dụ: Có thể nghiên cứu thêm các nhân vật lịch sử của nhà Trịnh, Nguyễn, các vua, chúa nhà Nguyễn có nhiều công lao đối với đất nước). Những nghiên cứu phải bài bản, hệ thống hơn, bên cạnh đó có quan tâm tới những đề xuất tên nhân danh của địa phương. Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần quan tâm tới tên danh nhân quốc tế, một số nhân vật có tên tuổi lớn, những nhà bác học lớn, những người có công, đã giúp đỡ Việt Nam.

Với những đóng góp tích cực và sự quan tâm sát sao của GS, năm 2017, Sở VH&TT Hà Nội đã xây dựng Dự thảo Ngân hàng tên phục vụ công tác đặt tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn TP đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Hiện nay dự thảo đang trong giai đoạn chỉnh sửa và hoàn thiện để trình UBND TP phê duyệt.
 GS Phan Huy Lê luôn dành trái tim, khối óc của mình cho Hà Nội
Tư tưởng tiến bộ đánh giá công lao nhà Mạc

Trong những năm qua, được làm việc cùng GS Phan Huy Lê, tôi không thể nào quên những kỷ niệm đặc biệt. Theo quy định chung, danh nhân mất sau ít nhất 10 năm thì xem xét đặt tên đường. Tuy nhiên, chỉ hơn một năm sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, GS Phan Huy Lê đã đề xuất Hà Nội nên đặt tên đường Võ Nguyên Giáp tại Thủ đô.
Đề xuất của GS Phan Huy Lê phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân Thủ đô và quy định hiện hành về các trường hợp đặt tên đặc biệt. Năm 2014 dưới sự đề xuất của GS Phan Huy Lê, Hội đồng đã nhất trí thông qua và đề nghị các cấp chính quyền TP đặt tên tuyến đường từ đầu phía Bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt với đường dẫn nút giao phía Nam Quốc lộ 18. Hiện nay, Hà Nội đã chính thức có con đường mang tên Võ Nguyên Giáp.

Năm 2014, TP Hà Nội từng đưa ra đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông, nhưng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình. Năm 2015, GS Phan Huy Lê cùng các nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật… đều thống nhất quan điểm: Nhà Mạc không đầu hàng quân địch, Mạc Đăng Dung không mắc tội phản quốc. Với tư cách là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng TP Hà Nội, GS Phan Huy Lê đã nhất quán quan điểm của mình nên đề xuất đặt tên đường phố mang tên hai vị vua nhà Mạc là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông đã được TP Hà Nội được thông qua.

Quá trình xây dựng hồ sơ, những lần trao đổi trực tiếp tại nhà, xin ý kiến qua điện thoại, họp trực tiếp… chúng tôi đều nhận được từ GS Phan Huy Lê thái độ làm việc khoa học, sự nghiêm túc đối với các vấn đề lịch sử, sự ân cần, chu đáo, tỉ mỉ, trách nhiệm cao. Sự ra đi đột ngột của GS là tổn thất lớn cho khoa học lịch sử nước nhà nói chung và Hà Nội nói riêng. Xin được thắp nén tâm hương trân trọng tri ân trước những đóng góp to lớn của ông cho lịch sử, văn hóa Việt Nam và Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần