GS Sử học Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 13 giờ chiều nay 23/6, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê đột ngột qua đời sau một tuần nằm viện. Đây là sự mất mát vô cùng to lớn đối với ngành Sử học nước nhà.

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, GS.TS Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển – Đại học (ĐHQGHN) Quốc gia Hà Nội cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, mặc dù tuổi cao nhưng GS Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn đi công tác Trường Sa. Khi về Hà Nội, sức khỏe của GS Phan Huy Lê vẫn bình thường, nhưng mấy ngày sau thì bị mệt. Ông đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch mai điều trị.

 GS Phan Huy Lê.

Mặc dù đã được đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cứu chữa, tuy nhiên do tuổi cao sức yếu. Trước đó, GS Huy Lê mắc bệnh cao huyết áp, bị tai biến nên lần này ông đã không qua khỏi.

GS Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư – nhà văn hóa Phan Huy Vịnh.

Năm 1952 ông học dự bị ĐH ở Thanh Hóa. Năm 1956 ông tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thời gian sau đó, ông làm trợ lý giảng dạy Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1958 khi mới 24 tuổi, ông là chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Từ năm 1988 đến nay, GS Phan Huy Lê đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Cũng trong năm 1988 ông sáng lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu Việt Nam thuộc trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Năm 1995, GS Phan Huy Lê sáng lập khoa Đông phương học – trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 2004 đến 2009, GS Phan Huy Lê giữ chức Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu văn hóa đã phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.

GS Phan Huy Lê được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1994. Năm 1996 ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka. Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm. Là ntri thức tận tâm và tận lực với Tổ quốc, GS Phan Huy Lê được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba.