GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên - người trọn đời gắn bó với vaccine

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tinh thần lao động sáng tạo, cống hiến không ngừng nghỉ trong nghiên cứu khoa học, hơn nửa thế kỷ qua, TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc sản xuất vaccine, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Ở tuổi 81, GS Huỳnh Thị Phương Liên - tác giả của công trình nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản tại Việt Nam đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho GS Huỳnh Thị Phương Liên.
Người thay đổi số phận hàng chục triệu trẻ em Việt

Trong tiết trời tháng Ba, khi những hạt mưa mùa Xuân nhè nhẹ bay, người dân Thủ đô vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ nhỏ bé ở tuổi 81, ngày ngày đi qua con đường Yec Xanh đến nơi làm việc mà bà đã gắn bó hơn nửa thế kỷ qua. Tuổi xưa nay hiếm, GS Huỳnh Thị Phương Liên vẫn đều đặn đến phòng làm việc trên gác 2, khu nghiên cứu vaccine của Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech, Bộ Y tế), say sưa nghiên cứu để hoàn tất những bước cuối cùng trong đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản trên tế bào vero.

Rời chiếc kính lúp cùng cuốn tài liệu dày cộp, GS Huỳnh Thị Phương Liên chia sẻ: “Cả cuộc đời của tôi gắn liền với vaccine, từ lúc rời ghế nhà trường đến khi đi công tác ở chiến trường miền Nam, tôi nghiên cứu về vaccine tả thương hàn, đậu mùa. Trong thời bình, tôi tiếp tục đam mê nghiên cứu vaccine, về các loại virus gây bệnh cho người…”. Thế nên, dù đã nghỉ hưu từ năm 1999 đến nay, GS Huỳnh Thị Phương Liên vẫn được lãnh đạo Công ty Vabiotech ưu ái dành 1 phòng riêng để hàng ngày bà tiếp tục thực hiện đam mê của mình với những dự án ban đầu là viết sách về các loại virus gây bệnh cho người và vaccine dự phòng. Nhưng bà bảo, đây mới chỉ là bước khởi đầu…

Ngược dòng thời gian, từ năm 1966 đến 1972, 6 năm lăn lộn giữa chiến trường Khu V, cô sinh viên Y khoa chuyên ngành Vi sinh như trưởng thành hơn trong những năm tháng chiến tranh gian khó. Và chính ở trong môi trường khắc nghiệt ấy, vị bác sĩ trẻ Huỳnh Thị Phương Liên cùng đồng đội đã vượt mọi khó khăn, cho ra đời những ống vaccine đầu tiên về tả, thương hàn, đậu mùa được dán nhãn kiểm định chất lượng đầy đủ, cung cấp cho bà con thuộc vùng giáp ranh khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Sau 6 năm bám trụ chiến trường, bà ra Bắc được Nhà nước cử đi du học tại Đức. Sau 2 năm làm giàu vốn kiến thức về virus ứng dụng, bà về nước. Để rồi 8 năm sau, bà trở lại đây với quyết tâm tự đặt ra là bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ. “Ngày ấy, tôi say mê nghiên cứu lắm! Là chị cả, lại đông em, tôi phải vượt qua rất nhiều thử thách để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc phát triển vaccine, để gồng gánh hai vai cả gánh nặng gia đình lẫn công việc chuyên môn” - GS Huỳnh Thị Phương Liên chia sẻ.

GS Liên tâm sự tiếp, thực ra, bà chẳng nản bao giờ, khó khăn đến mấy, bà vẫn nỗ lực vượt qua, bởi với bà, nghiên cứu vaccine là niềm đam mê cháy bỏng. Trải qua những gian khổ, ác liệt trong chiến tranh, bà như được rèn đúc thành một con người kiên cường hơn, không bao giờ chịu lùi bước, quyết tâm sản xuất vaccine để giảm tỉ lệ mắc và tỷ lệ di chứng do viêm não ở Việt Nam. Từ những đam mê ấy, đến nay, món quà quý giá mà nữ khoa học gia dâng tặng cuộc đời chính là vaccine viêm não Nhật Bản, thành tựu giúp thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Viện Biken (Trường đại học Osaka, Nhật Bản), bà đã dày công nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản (thế hệ 1) bất hoạt sản xuất từ não chuột thành công.

Vào thời điểm cuối năm 1980, số lượng trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng cao (chiếm tỷ lệ 70 tới 75% số ca viêm não do virus). Đây là căn bệnh để lại di chứng thần kinh rất nặng nề cho những bệnh nhân còn sống và trở thành gánh nặng suốt đời của chính người bệnh, gia đình và xã hội. Là một trong hai chuyên gia được cử sang Nhật Bản nhận chuyển giao công nghệ, nhận thấy chỉ căn cứ vào cuốn tài liệu mà phía nước bạn cung cấp thì không thể hình thành quy trình sản xuất, bà ghi chép tỉ mỉ mọi lời nói, mọi thông tin mà vị chuyên gia đưa ra trong suốt chuyến đi. Cộng thêm khối lượng kiến thức khá lớn gom góp sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc về chuyên ngành vi sinh, virus, sau 4 tuần công tác tại Nhật Bản đã giúp nhà khoa học nữ này có được những thành công ban đầu. Bà đã nhận chuyển giao công nghệ và cho ra đời vaccine viêm não Nhật Bản (thế hệ 1) với tính an toàn cao, giá thành thấp đến mức ngạc nhiên. Đây cũng là vaccine đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài (xuất khẩu 5.430.000 liều sang Ấn Độ).
 TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên
Truyền thụ kho tàng kiến thức vô giá cho thế hệ sau

Đến năm 2005, Nhật Bản đưa ra thông tin, một phần triệu trẻ em sau khi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 1 có mắc căn bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính. Ngay sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu Nhật Bản ngưng sản xuất loại vaccine có nguồn gốc từ mô thần kinh này. Nhận thấy sự cấp thiết cần sớm cho ra đời vaccine viêm não Nhật Bản (thế hệ 2) bất hoạt sản xuất trên tế bào vero (Jecevax), nữ GS đã bắt tay nghiên cứu từ năm 2006.

Sau 15 năm bền bỉ, trải qua 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người thành công, vaccine viêm não Nhật Bản (thế hệ 2) được đánh giá đạt tính an toàn và dung nạp tốt trên người lớn, trẻ em với đáp ứng kháng thể đạt 99,6%. Thành công trong nghiên cứu của GS Huỳnh Thị Phương Liên đã giúp Việt Nam lọt vào top thứ 4 trên thế giới sở hữu công nghệ mới này. “Trong năm 2021 này, tôi hy vọng sẽ được Bộ Y tế cấp phép sản xuất vaccine thương phẩm chất lượng cao để phục vụ cộng đồng” - GS Huỳnh Thị Phương Liên nói.

Từ khi nghỉ hưu đến nay, những nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ ấy khiến bà trở thành điểm tựa khoa học vững chãi đầy tin cậy cho những nhà nghiên cứu trẻ sau này. Ngày ngày, bà vẫn truyền thụ cho thế hệ kế cận những kiến thức vô giá mà bà đã gom nhặt suốt cuộc đời. Đặc biệt, mỗi khi có điều gì chưa hiểu, cần tham khảo, những nhà nghiên cứu trẻ lại mượn cuốn sổ “bảo bối” của bà để học hỏi thêm những kiến thức, kinh nghiệm quý báu.

55 năm miệt mài cống hiến, những thành tựu trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học của GS Huỳnh Phương Liên đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành điểm sáng trong nền y học dự phòng của Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, TTND.GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên đã luôn phấn đấu, nỗ lực với sự say mê và tinh thần trách nhiệm cao trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước phong tặng cho GS Huỳnh Thị Phương Liên là sự ghi nhận cống hiến không ngừng nghỉ trong công cuộc sản xuất vaccine, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào của cá nhân nữ GS mà còn là niềm tự hào của toàn thể cán bộ - công nhân viên của Công ty Vabiotech. Điều này thể hiện sự ghi nhận và quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những nỗ lực, cống hiến của GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên nói riêng và đội ngũ những nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh của ngành y tế nói chung.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần