GS.TS Nguyễn Mại: Dư địa thu hút FDI của Hà Nội còn rất lớn

Nguyên Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư khẳng định tiềm năng thu hút FDI của Hà Nội trong những năm tới vẫn còn rất lớn.

 GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư 
Chưa xứng với tiềm năng
Ông đánh giá thế nào về thu hút FDI thời gian qua và tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội thời gian tới?
- Kể từ khi TP Hà Nội thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch và bây giờ là nông nghiệp, việc thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc. Bản thân lãnh đạo Hà Nội năm nào cũng có buổi tiếp cận, giải đáp các vướng mắc của các nhà đầu tư.
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội chọn 3 khâu đột phá là cải cách hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những việc làm này đã tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn và mang lại kết quả thu hút FDI của Hà Nội thời gian qua tăng vượt bậc so với giai đoạn trước.
Thu hút FDI Hà Nội trong những năm tới còn dư địa rất lớn. Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do có tính chất toàn cầu và khu vực. Với việc nhiều dòng thuế suất được giảm về 0%, đây là lợi thế lớn để nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Mặc dù vậy, việc thu hút FDI vẫn chưa xứng với tiềm năng và mong muốn của TP Hà Nội. Hiện những dự án lớn trong lĩnh vực như R&D, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata, thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây… chưa nhiều.
Nghị quyết mới nhất số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về CMCN 4.0, đã xác định đến năm 2025 kinh tế số phải có 20%, đến năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng
Đến 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số và hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Rõ ràng những chủ trương của Đảng đặt ra yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải khác hơn các địa phương khác rất nhiều.
Vậy, Hà Nội còn những điểm nghẽn nào cần khắc phục hoặc phải có giải pháp thay đổi thế nào, để thu hút được nguồn FDI thế hệ mới?
- Nói về tiềm năng thu hút FDI nhất là vào công nghệ tương lai, thực sự hiện đại, thì không có địa phương nào có ưu thế như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. CMCN 4.0 đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận với nghiên cứu phát triển để thu hút nhiều hơn những đối tác như Samsung. Hiện nay chỉ có Samsung đang xây dựng một trung tâm, còn Hà Nội chưa có trung tâm nào đủ lớn.
Vấn đề lớn nhất của Hà Nội là làm thế nào thay đổi cơ cấu đầu tư theo hướng hiện đại. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đầu tiên phải thay đổi cách tiếp cận thu hút đầu tư nước ngoài, thay đổi tư duy về FDI trên cơ sở đó thay đổi thể chế, thay đổi hành động.
Nếu duy trì được đà tăng trưởng tốt cùng với các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư DN tối đa, trong năm 2019 Hà Nội có thể hút được vốn FDI lớn hơn các năm. Thủ tục vào Hà Nội đã dễ dàng hơn nhưng kèm theo đó là phương thức xúc tiến đầu tư phải thay đổi. Tôi từng làm việc với Trung tâm xúc tiến đầu tư của Hà Nội nhiều lần và tôi vẫn nói, phải tìm đến tập đoàn lớn chứ không phải đợi người ta vào.
Phải chủ động, sáng tạo hơn 
Tiếp xúc với các nhà đầu tư, theo ông vướng mắc lớn nhất với nhà đầu tư khi vào Hà Nội là gì?
- Với những tập đoàn lớn, chi phí không phải là vấn đề quyết định, vấn đề là thời gian. Nhà đầu tư Mỹ và EU rất quan tâm đến Việt Nam, nhưng ít thành công hơn nhà đầu tư châu Á, vì thị trường Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi những đòi hỏi về độ minh bạch cao và sự khác biệt về văn hóa khiến họ phải cân nhắc.
Quan trọng nhất là trong Hiệp định thương mại EVFTA hay CPTPP vấn đề đầu tiên là sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa. Như ở ta vấn nạn hàng nhái, hàng lậu, bản quyền vẫn bị vi phạm thường xuyên… dẫn đến nhà đâu tư rất lo ngại. Dù chúng ta có cả luật rồi nhưng không nghiêm. Ngoài ra, những vấn đề như nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông… Hà Nội cần phải xử lý mạnh, triệt để hơn.
Ngoài nỗ lực của Hà Nội, về phía Trung ương có cần sự hỗ trợ nào không ví dụ như hạ tầng, thế chể khung pháp lý…?
- Hà Nội đã có Luật Thủ đô, trong đó quy định cơ chế cho Hà Nội rất nhiều, vấn đề là Hà Nội phải chủ động. Đặt vấn đề trong phạm vi Luật Thủ đô, cần phải tranh thủ, cần phát huy lợi thế để phát triển Hà Nội trên cơ sở chủ động, sáng tạo trong quản lý Nhà nước, trong thu hút FDI và trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với T.Ư tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Tình trạng tham nhũng vặt vẫn nhiều, khảo sát của VCCI, 60 - 70% DN khẳng định có lót tay. Với châu Âu và Mỹ điều đó là không được. Các nhà đầu tư dù họ thấy mình cố gắng nhiều nhưng thủ tục thuế, hải quan kéo dài quá cũng làm họ nản...
Xin cảm ơn ông!