Hà Đông cấp biển nhận diện, xây dựng thị trường trái cây công bằng

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/12, quận Hà Đông đã triển khai cấp biển hiệu nhận diện cửa hàng trái cây (đợt 1), nhằm xây dựng các cửa hàng trái cây đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) theo Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội”.

Quản lý chất lượng hàng hóa

Theo báo cáo của quận Hà Đông, hiện trên địa bàn Quận có 79 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó cửa hàng chuyên 37 và kinh doanh tổng hợp là 42. Chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ 76/79 cửa hàng.
Đại diện Sở Công Thương và quận Hà Đông trao giấy chứng nhận và cấp biển hiệu cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng điều kiện ATTP cho 5 cơ sở.
Gắn biển hiệu tại cửa hàng.
Đợt 1, quận triển khai cấp biển cho 5 cửa hàng trên địa bàn, gồm: Công ty TNHH hoa quả Thủy Anh, có địa chỉ tại số 21 Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê; cơ sở kinh doanh trái cây Xala Fruits, tại số 5 khu đô thị Xa la, Phúc La; cửa hàng Khánh Linh số 110, 112 Phùng Hưng, Phúc La; cửa hàng tiện ích Nông Trang số 159 phố Lê Hồng Phong, Hà Cầu và cửa hàng thực phẩm Hướng Dương, số 21 phố Nguyễn Văn Lộc, Mộ Lao.

Theo ông Nguyễn Hữu Thanh - Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông: Để được cấp biểu hiệu nhận diện trái cây an toàn tháng 10 quận đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức pháp luật quy định về kinh doanh trái cây, ATTP cho các cán bộ, công chức của quận và phường; các chủ cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn thuộc đối tượng của Đề án. Sau tập huấn, các chủ cơ sở được đánh giá kết quả nhận thức, nếu thấy đạt yêu cầu quận sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP; Giấy xác nhận kiến thức về ATTP, giấy khám sức khỏe. Chủ cơ sở cam kết chấp hành các quy định về ATTP trong kinh doanh. Đồng thời tạo điều kiện cho các cá nhân, đơn vị được cấp biển nhận diện trái cây hoàn thiện thủ tục cấp giấp phép kinh doanh.
 Chị Nguyễn Thị Lữ trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương và quận Hà Đông về sản phẩm bày bán tại cửa hàng.
Tất cả trái cây đều được niêm yết giá, xuất xứ.
Theo chị Nguyễn Thị Lữ, chủ cửa hàng trái cây Xala Fruits, tại số 5 khu đô thị Xa la, Phúc La: Trong quá trình triển khai xây dựng cửa hàng nhận diện trái cây an toàn quận Hà Đông đã hỗ trợ các thủ tục cho chủ cửa hàng đảm bảo đủ các điều kiện về ATTP. Chính vì thế, cửa hàng đã chú trong việc nhập trái cây ngoại rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời kết hợp với các đơn vị sản xuất trái cây trong nước kiểm soát chất lượng trái cây từ vùng trồng đến cửa hàng. Cơ sở tuân thủ nguyên tắc không mua trái cây trôi nổi không rõ nguồn gốc nhằm bảo vệ sức khỏe, lợi ích của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Na, khu đô thị Văn Khê thường xuyên mua trái cây tại Công ty TNHH hoa quả Thủy Anh, chia sẻ: Tôi thường xuyên mua trái cây tại đây ăn, thấy ngon, mẫu mã đẹp. Hôm nay thấy có cơ quan chức năng gắn biển nhận diện trái cây tôi lại càng yên tâm vì chất lượng ATTP được đảm bảo.
Người dân mua trái cây tại cửa hàng của Công ty Thủy Anh.
 
Theo bà Trần Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương: Qua khảo sát đánh giá thị trường trái cây trên địa bàn, thực trạng mỗi tháng Hà Nội tiêu thụ 52.000 tấn, trong đó trái cây nhập khẩu 15%, các vùng trồng của Thủ đô cung ứng được 30%, còn lại là nhập từ các tỉnh thành phố khác. Thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát trái cây rõ nguồn gốc, không có chất bảo quản rất khó thực hiện. Đối với hàng nhập khẩu đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên một số cửa hàng vẫn đưa chất bảo quản để giữ trái cây lâu hơn. Trái cây trong nước đảo bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap mới đạt được 40%.

Đề án quản lý kinh doanh trái cây, đáp ứng được yêu cầu về ATTP, nguồn gốc, các cơ sở phải có trang thiết bị, tủ bảo quản trái cây theo đúng tiêu chuẩn. Các cơ sở này liên tục được cập nhật danh sách trên cổng điện tử của Sở Công thương để mọi người tiêu dùng của Thủ đô biết đến. Sau khi cấp biển nhận diện, các cửa hàng sẽ thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa bày bán và việc bảo quản sản phẩm trong đơn vị.

Tạo sự công bằng trong kinh doanh trái cây

Theo bà Trần Phương Lan, Hà Đông là quận thứ 10 tổ chức cấp biển nhận diện trái cây trên địa bàn TP Hà Nội. Trong tuần này TP Hà Nội sẽ còn 2 quận cấp biển nhận diện, sẽ hoàn thành đợt 1 theo kế hoạch của Đề án. Sang tháng 1/2018, không còn thời điểm tuyên truyền về cấp biển nhận diện. Đối với Hà Đông chưa phải là quận đứng đầu TP, do đó cần tập trung hơn để việc hỗ trợ các DN hộ kinh doanh trong cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh quản lý trái cây.
 Kho lạnh bảo quản trái cây tại DN Thủy Anh.
Bà Cấn Thị Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Quận đã rà soát xong các đơn vị, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn và phấn đấu trong tháng 1/2018 sẽ hoàn thành việc cấp các thủ tục cho cửa hàng đang kinh doanh đảm bảo chứng nhận về ATTP, nhận diện trái cây rõ nguồn gốc.

Hiện nay, quận đang xây dựng cơ chế tạo điều kiện thu hút các DN, cá nhân vào đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn, như: Hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, rà soát nguồn đất để cấp, cho thuê mặt bằng kinh doanh …

Để tạo sự công bằng trong kinh doanh về chất lượng, giá cả quận đồng thời rà soát các cơ sở kinh doanh trái cây tại các chợ truyền thống, từ đó yêu cầu họ ký cam kết tiêu thụ hàng hóa rõ nguồn gốc. Nếu không thực hiện sẽ yêu cầu Ban quản lý chợ chấm dứt cho thuê ki ốt kinh doanh. Vì nhiều người vẫn còn tham rẻ, tiêu thụ hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Siết chặt quản lý chất lượng của cả hệ thống các cửa hàng trên các tuyến phố, sẽ tạo sự công bằng trong kinh doanh.
 Biển nhận diện được treo bên phải cửa hàng.
Phòng đóng gói được cách ly.
Bà Đỗ Thị Thủy, Phó giám đốc Công ty TNHH hoa quả Thủy Anh chia sẻ: Việc cấp biển hiệu nhận diện cửa hàng trái cây an toàn sẽ giúp DN cạnh tranh về chất lượng đối với các cơ sở khác. DN còn đầu tư cả hệ thống tủ lạnh, kho lạnh và phòng đóng gói nhằm đảm bảo chất lượng trái cây đến tạy người tiêu dùng tốt nhất.

Ông Thanh cho biết thêm: Quận tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nọi người dân, cũng như người kinh doanh hiểu được ý nghĩa, chính sách của TP về cấp biển nhận diện cửa hàng trái cây an toàn. Sau khi được cấp, các cửa hàng sẽ được truyền thống trên các kênh thông tin. Những cơ sở nào thiếu trang thiết bị đề nghị Ngân hàng chính sách cho vay vốn ưu đãi để mua trang thiết bị bảo quản.

Tháng 1/2018, quận sẽ ra quân giải tỏa các cơ sở kinh doanh trái cây trên các tuyến phố không đảm bảo yêu cầu ATTP; xây dựng tuyến phố Quang Trung đảm bảo tuyến phố kiểu mẫu, không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè và kinh doanh trái cây không đảm bảo ATTP đúng tiêu chí theo Đề án của TP, lấy lại sự công bằng trong kinh doanh.