Hà Đông: Chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều giải pháp

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân Covid-19 thứ 17), quận Hà Đông đã họp khẩn để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện trên địa bàn quận có 31 người phải cách ly tập trung liên quan đến bệnh nhân Covid-19 thứ 17.

Rà soát và khoanh vùng những ca nghi nhiễm bệnh
Theo báo cáo của Hà Đông, đến ngày 9/3, trên địa bàn quận có 5 ca nghi ngờ mắc bệnh và cả 5 ca đều có kết quả xét nghiệm âm tích với Covid-19.
Tuy chưa có ca mắc bệnh, nhưng trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc và những người trở về nước ngoài. Đến nay, quận đã cách ly, theo dõi sức khỏe 235 người, trong đó có 145 người đã kết thúc thời gian theo dõi; còn 90 người đang phải thực hiện cách ly theo dõi. Trong số này có 8 người đi từ Trung Quốc về, 40 người đi từ các tỉnh của Hàn Quốc. Qua rà soát, quân đã phát hiện 23 người F2 (tiếp xúc với F1) cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà, tại 8 phường; 19 người F3 tiếp xúc với F2, những trường hợp này đã cách ly từ ngày 7/3.
Nước diệt khuẩn được cung cấp tại nơi đông người như khu chung cư, nhà cao tầng,... kèm theo tờ rơi thông tin về quy trình phòng chống dịch bệnh nhằm phục vụ người dân chống dịch bệnh Covid-19.

Liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 ở Trúc Bạch, quận Hà Đông đã cho điều tra, rà soát, phân loại và đưa 31 người đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tổ chức cách ly tập trung; trong đó có 12 người tiếp xúc trực tiếp; có 1 người F2 nhỏ tuổi nhất 9 tuổi, đã đưa vào cách ly cùng mẹ tại Bệnh viện.
Cơ quan y tế quận đã lấy mẫu bệnh phẩm của 5 trường hợp F2 tiếp xúc với người có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17. Cho đến thời điểm này, quận Hà Đông đã cơ bản rà soát các đối tượng liên quan đến bệnh nhân thứ 17.
Tích cực triển khai đồng bộ giải pháp
Cùng với việc rà soát đưa người đi cách ly tập trung và hướng dẫn, giám sát những người cách ly tại nhà, các cơ quan trên địa bàn quận còn tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về dịch bệnh và cách phòng tránh; không chủ quan, nhưng cũng không hoảng sợ quá mức; tự khai báo khi bản thân, người nhà, người xung quanh di chuyển từ quốc gia có dịch về, người có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh. Việc tuyên truyền được tổ chức theo nhiều hình thức, như pa nô, phát tờ rơi, phát thanh trên loa đài, lồng ghép với các chương trình khác.
 Công tác dọn vệ sinh trường lớp, nhà trẻ, nơi công cộng tiếp tục được thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Nhã - Bí thư Đảng ủy phường Yết Kiêu: Phường thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19, tập trung chỉ đạo các cán bộ phường phát thuốc khử khuẩn, tăng khẩu trang miến phí đến các khu dân chung cư, dọn vệ sinh, khử khuẩn 3 lần/tuần. Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình, di biến động của những đối tượng người đến từ nước ngoài, nhất là những người đến từ vùng dịch.
Trong khi đó, phường Phú Lương, ngoài làm tốt những công tác trong chỉ đạo của quận, phường còn huy động xã hội hóa từ những nhà hảo tâm tặng hàng nghìn chiếc khẩu trang cho người dân. Đặc biệt, đối với hộ cận nghèo và khó khăn phường ngoài tặng khẩu trang, còn tặng lương thực, nước rửa tay.
Chỉ trong ngày 10/3, lãnh đạo phường đã kêu gọi nhà hảo tâm tặng cho 64 hộ cận nghèo, mỗi hộ 10kg gạo; 8 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô côi cả cha lẫn mẹ, khuyết tật mỗi người 10kg gạo, nhu yếu phẩm khác như: Lạc, dầu ăn, nước mắm, mỳ tôm. Trường Đại học Đại Nam cũng tặng cho các cơ quan trên địa bàn phường 50 lít nước rửa tay, phục vụ phòng chống dịch bệnh.
Phường Phú Lương huy động các nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để chống dịch bệnh. Trong ảnh: Trường Đại học Đại Nam tặng nước khử khuẩn cho phường.

Cùng với đó, để ổn định tình hình giá cả, các cơ quan chức năng trên địa bàn, cùng với các phường tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình giá cả, đánh giá nguồn cung hàng hóa, cơ số thuốc, vật tư, y tế dự phòng, chủ động xây dựng phương án chi tiết từng tình huống, sẵn sàng khi có dịch bệnh xảy ra.